Dịch vụ hủy ảnh cưới cho các cặp ly hôn đang hút khách tại Trung Quốc

Một người đàn ông ở Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đã bắt đầu công việc kinh doanh cắt hủy ảnh cưới với mục đích ban đầu là giúp bảo vệ quyền riêng tư của những người đã ly hôn.
Dịch vụ hủy ảnh cưới đang hút khách nhờ tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng. (Nguồn: Yonhap)

Dịch vụ hủy những bức ảnh cưới của các cặp vợ chồng đã ly hôn với giá rẻ đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.

Liu, người đàn ông ở Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đã bắt đầu công việc kinh doanh này với mục đích ban đầu là giúp bảo vệ quyền riêng tư của những người đã ly hôn.

Ban đầu, anh thành lập một trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ cắt hủy ảnh cưới, Bailu Video đưa tin.

“Hầu hết ảnh cưới đều được làm bằng chất liệu acrylic, khó cháy. Trong khi đó, nhiều nơi còn có tục cấm đốt ảnh người sống,” Liu nói.

“Tuy nhiên, việc ném chúng vào thùng rác rất khó khăn và nó có thể làm lộ quyền riêng tư của bạn. Vì vậy, tôi bắt đầu công việc kinh doanh này với động lực đơn giản là bảo vệ quyền riêng tư. Ảnh cưới thuộc danh mục vật dụng riêng tư cá nhân và tôi tin rằng nhu cầu về dịch vụ của tôi rất lớn,” anh nói thêm.

Khách hàng chỉ cần gửi ảnh của họ đến trung tâm, còn giá được tính theo trọng lượng của ảnh. Giá dao động từ vài chục đến hơn 100 nhân dân tệ (14 USD).

Quá trình này rất đơn giản.

Các bức ảnh được cắt nhỏ một cách chuyên nghiệp và các mảnh vụn sẽ được xử lý tại một nhà máy điện. (Nguồn: SCMP/Douyin)

Nhân viên mở kiện hàng của khách, sau đó xịt sơn che mặt nhân vật trong ảnh và bắt đầu cắt hủy ảnh. Họ sẽ quay lại quá trình này. Sau đó, đoạn video được gửi cho khách hàng để xác minh.

Cuối cùng, các bức ảnh được cắt nhỏ một cách chuyên nghiệp và các mảnh vụn sẽ được xử lý tại một nhà máy điện.

Mặc dù trung tâm nằm ở tỉnh Sơn Đông nhưng dịch vụ này đã thu hút được sự quan tâm của cả Trung Quốc.

Liu nói với Bailu Video: “Chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ mọi tỉnh thành trên khắp Trung Quốc."

Việc này cũng thu hút sự chú ý của dư luận, tạo nên 1 làn sóng kể lại những câu chuyện về việc xử lý ảnh cưới sau khi ly hôn.

Một người viết trên mạng: “Chú tôi chia tay bạn gái ngay trước khi họ kết hôn. Mẹ tôi yêu cầu tôi xé ảnh cưới của họ. Điều này thực sự làm khó tôi."

“Một đêm khuya sau khi ly hôn, tôi lái xe mang theo toàn bộ ảnh cưới lớn nhỏ rồi ném xuống biển. Tôi cảm thấy mình như một tên tội phạm trong đêm đó,” một người khác viết.

Người thứ ba nói thêm: “Tôi đã tự tay đập vỡ ảnh cưới và ném vào đống rác, ngay cạnh đống phế thải xây dựng.”

“Ngành công nghiệp này phát triển mạnh nhờ tỷ lệ ly hôn. Với xu hướng ly hôn ngày càng tăng, triển vọng của nó có vẻ tốt,” người thứ tư nhận xét.

Tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, tỷ lệ ly hôn lại tăng chóng mặt vào những năm gần đây.

Năm 2012, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ kết hôn, đạt đỉnh 4,71 triệu cặp vào năm 2019. Năm 2022, con số này giảm xuống còn 2,1 triệu cặp.

Sự sụt giảm tỷ lệ ly hôn trong năm 2022 có thể do việc xử lý đơn bị chậm trễ trong thời gian phong tỏa bởi COVID-19.

Tuy nhiên, trong thời kỳ phong tỏa vì COVID-19, chi phí sinh hoạt gia tăng kết hợp với tình trạng thất nghiệp đã dẫn đến những căng thẳng về kinh tế và tinh thần trong các gia đình. Đây là lý do dẫn đến các vụ bạo lực gia đình và cuối cùng là ly hôn.

Tỷ lệ ly hôn tăng mạnh tại Trung Quốc trong những năm gần đây. (Nguồn: Singtao)

Kể từ khi Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, làn sóng ly hôn đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Nhiều phương tiện truyền thông cũng đã ghi lại hình ảnh các cặp vợ chồng xếp hàng dài chờ ly hôn tại văn phòng dân sự địa phương.

Cùng với đó, ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc chia sẻ và ca ngợi cuộc sống hậu ly hôn của họ trên mạng xã hội. Họ gọi giấy ly hôn là "giấy chứng nhận hạnh phúc."

Hiện Trung Quốc là một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, thêm đó việc đăng ký kết hôn ngày càng thấp, tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cũng sẽ góp phần làm tình trạng sinh sản giảm trầm trọng. Người ta lo ngại nước này đang đi theo "vết xe đổ" của Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục