Dịch virus corona: Tác động với kinh tế Trung Quốc và toàn cầu

Một số nhà kinh tế tư nhân dự báo GDP của Trung Quốc trong năm 2020 có thể đạt tốc độ tăng trưởng dưới 5%, thấp hơn so với mức 6% mà Bắc Kinh đề ra.
Dịch virus corona: Tác động với kinh tế Trung Quốc và toàn cầu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: SCMP)

Bài phân tích trên báo The Straits Times ngày 2/2 đánh giá rằng thậm chí dù quy mô kinh tế của Trung Quốc hiện nay lớn hơn gấp 8 lần so với thời điểm khi nước này chiến đấu với dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2003, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn dễ bị tổn thương hơn do virus corona chủng mới bùng phát ở Vũ Hán gây ra do những điều kiện kinh tế tiêu cực trong nước và toàn cầu.

Trong khi đó, tác động bên ngoài đối với sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ lớn hơn, vì ngày nay Trung Quốc chiếm đến 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, so với mức 4,3% của năm 2003 và hội nhập hơn rất nhiều vào nền kinh tế thế giới.

SARS có tỷ lệ tử vong là 9,6%, có nghĩa là cứ 10 bệnh nhân thì có gần 1 người tử vong sau khi nhiễm bệnh. Trong khi đó, virus corona chủng mới Vũ Hán dường như ít gây chết người hơn, tỷ lệ tử vong cho đến nay là khoảng 3%, nhưng lại lây lan nhanh hơn.

Chỉ trong một tháng, tổng số ca nhiễm bệnh ở riêng Trung Quốc Đại lục (hơn 9.600 người tính đến ngày 31/1) đã vượt quá tổng số ca nhiễm SARS trên toàn thế giới (8.098) trong bảy tháng tính đến tháng 7/2003.

[Dịch viêm phổi do virus corona đe dọa đà phục hồi kinh tế Trung Quốc]

Điều này một phần là do không giống như SARS, virus corona chủng mới có thể lây nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh ở những người không có triệu chứng gì, đồng thời cũng bởi nó xảy ra ngay trước thời điểm Tết Âm Lịch, là khoảng thời gian diễn ra cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới, khi hàng triệu người lao động trở về nhà.

Ước tính khoảng 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi thành phố này bị đóng cửa vào ngày 23/1, và một số người trong đó đã làm lây lan virus đến những khu vực khác của Trung Quốc và lan ra nước ngoài.

Tác động đối với nền kinh tế nội địa

Sau khi đóng cửa thành phố Vũ Hán, cùng với những hạn chế đi lại bên trong và ra khỏi thành phố này, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp tương tự tại ít nhất 17 thành phố khác, gây tác động đến khoảng 50 triệu người. Đồng thời, sự cách ly kiểm dịch chính thức này cũng có quy mô hoàn toàn khác do với dịch SARS.

Khi nói đến tác động đối với nền kinh tế, bản thân virus không tác động quá nhiều mà là sự phản ứng đối với dịch bệnh. Sự lo lắng và tâm lý hoảng sợ tác động nhiều nhất đến tâm lý người tiêu dùng và kinh doanh.

Ảnh hưởng kinh tế đến nay có thể nhận thấy rõ, được phản ánh trong việc đóng cửa rộng khắp các hệ thống giao thông vận tải, nhà hàng, trung tâm mua sắm, văn phòng, trường học, khu vui chơi giải trí.

Thậm chí những đường phố lớn ở một số thành phố cũng vắng vẻ. Nhiều hãng hàng không quốc tế thậm chí đã đình chỉ hoặc hạn chế các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc Đại lục.

Trong khi lĩnh vực dịch vụ, bắt đầu là đi lại và du lịch, bị tác động đầu tiên, lĩnh vực chế tạo sản xuất cũng đang chịu tác động khi các nhà máy buộc phải đóng cửa các cơ sở sản xuất do nguồn cung nguyên liệu thô bị gián đoạn và nhiều công nhân, trong đó có những người đến từ các khu vực khác của Trung Quốc, không thể quay trở lại làm việc do lệnh cấm đi lại.

Phần lớn tác động này cũng đã xảy ra trong dịch bệnh SARS. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm 2 điểm phần trăm trong quý II/2003, khi dịch bệnh này lên đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, tăng trưởng đã phục hồi trở lại lên mức hai con số trong hai quý sau đó và Trung Quốc đã đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 10% vào năm 2013.

Ngày nay, câu chuyện hoàn toàn khác. Thứ nhất, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 chỉ đạt 6,1%, mức thấp nhất trong 29 năm qua. Nước này còn đang phải đối mặt với những hạn chế về thương mại, trong đó có mức thuế quan 25% áp đặt đối với 250 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường lớn nhất của nước này là Mỹ.

Ngược lại, năm 2003, Trung Quốc có được sự bùng nổ về xuất khẩu, sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào hai năm trước đó.

Ngoài ra, nền kinh tế của Trung Quốc trong năm 2003 cũng không phải chịu gánh nặng nợ công ty hay phải vật lộn với việc giảm bớt nợ của các doanh nghiệp như hiện nay, với việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của nước này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với hệ thống ngân hàng mà họ phụ thuộc để vay tín dụng.

Một trong những nguy cơ của sự chậm lại kinh tế kéo dài do kết quả của dịch virus Vũ Hán là số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc có thể phá sản. Điều này hạn chế khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Tác động đối với kinh tế toàn cầu

Sự hội nhập chặt chẽ hơn của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới hiện nay so với hồi năm 2003 cũng có nghĩa là tác động bên ngoài của dịch bệnh này sẽ lớn hơn.

Điều này cũng đã được cảm nhận trong các ngành liên quan đến du lịch trong khu vực, nơi mà người Trung Quốc Đại lục nằm trong số các nhóm du khách lớn nhất đối với hầu hết các nước.

Bên cạnh đó, tác động này cũng được cảm nhận trong ngành chế tạo sản xuất, khi các chuỗi cung ứng được tập trung ở các thành phố của Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, bị gián đoạn, cũng như với các nhà sản xuất hàng hóa mà Trung Quốc là khách hàng lớn nhất đối với nhiều người trong số họ.

Trước tình hình này, Chính phủ, dường như đã nhận ra quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, có khả năng đối phó bằng một chính sách kích thích tài chính tích cực cũng như nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại thận trọng cho rằng còn quá sớm để tính ảnh hưởng của virus corona ở Vũ Hán đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tư nhân đã đưa ra các dự báo. Chẳng hạn, hãng Standard & Poor’s đã chỉ rõ rằng chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn một nửa GDP của Trung Quốc, đã giảm 10%, khiến tốc độ tăng trưởng GDP của nước này có thể giảm 1,2 điểm phần trăm.

Như vậy, GDP của Trung Quốc trong năm 2020 có thể đạt tốc độ tăng trưởng dưới 5%, thấp hơn so với mức 6% mà Bắc Kinh đề ra.

Bà Mo Ji, nhà kinh tế trưởng của Công ty quản lý và nghiên cứu đầu tư Alliance Bernstein, dự đoán rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát trong vòng 3 tháng, GDP của Trung Quốc sẽ mất 0,8 điểm phần trăm và có thể mất đến 0,9 điểm phần trăm nếu dịch bệnh kéo dài 9 tháng.

Dù thế nào, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ gặp khó khăn trong năm nay. Phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á, cũng sẽ gặp khó khăn tương tự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục