Dịch viêm phổi do virus corona đe dọa đà phục hồi kinh tế Trung Quốc

Dịch viêm phổi do virus corona là một rủi ro đối với Trung Quốc, nơi nền kinh tế tăng trưởng đã ghi nhận mức thấp nhất trong 30 năm qua là 6,1% trong năm 2019.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Vũ Hán, Trung Quốc, trong bối cảnh bùng phát các ca nhiễm virus corona, ngày 17/1/2020. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Tin tức về dịch viêm phổi lạ do chủng virus corona có thể lây lan giữa người với người đã làm xáo trộn thị trường tài chính và làm dấy lên mối lo ngại nó có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc "giảm tốc" tăng trưởng khi nước này đang cố gắng lấy lại đà.

Dịch viêm phổi do virus corona là một rủi ro đối với Trung Quốc, nơi nền kinh tế tăng trưởng đã ghi nhận mức thấp nhất trong 30 năm qua là 6,1% trong năm 2019.

[Hong Kong, Macau xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên]

Giới quan sát cho rằng một hiệp định thương mại tạm thời giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp làm giảm áp lực cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngoài ra, những số liệu mới nhất đã cho thấy dấu hiệu về nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Song sự bùng phát dịch viêm phổi mới do virus corona gây ra đã cho thấy sự lạc quan như vậy có thể là quá sớm.

Các cơ quan y tế trên khắp châu Á đã tăng cường giám sát và tiến hành các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan và tránh lặp lại tình trạng gián đoạn cùng những ca tử vong như trong cuộc khủng hoảng SARS hồi năm 2003.

Khi đó, dịch SARS đã gây thiệt hại 40-50 tỷ USD do người dân cắt giảm chi phí đi lại và chi tiêu.

Theo ông Stephen Innes, chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường châu Á của công ty tư vấn tài chính AxiCorp, mặc dù chủng virus mới có vẻ ít nguy hiểm hơn SARS, nhưng rủi ro lớn nhất có thể xảy ra ở châu Á khi mùa du lịch cao điểm tại khu vực sắp diễn ra, qua đó tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Trong báo cáo gửi tới khách hàng, chuyên gia Innes cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể hứng chịu nhiều tác động tiêu cực lên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu sự bùng phát của dịch bệnh mới đạt quy mô đại dịch. Ông cho hay thị trường trước đó đã đánh giá thấp nguy cơ của dịch bệnh.

Như đại dịch virus Ebola hồi năm 2014-2016 đã gây thiệt hại lên tới hơn 2,2 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngoài thảm kịch về con người, những cuộc khủng hoảng như vậy đã “nuốt chửng” các nguồn lực cần thiết cho những chi tiêu khác của chính phủ và gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế nghèo nhất.

Giới quan sát cho biết tương tự như như dịch SARS, dịch bệnh mới này sẽ tác động mạnh nhất đến các ngành như hàng không, đường sắt, khách sạn, sòng bạc và các doanh nghiệp giải trí và bán lẻ khác.

Song, đối với các công ty dược phẩm và nhà sản xuất mặt nạ bảo vệ cùng các thiết bị y tế khác, dịch bệnh này lại là cơ hội kinh doanh.

Chuyên gia Ning Zhang của ngân hàng UBS cho biết, nếu bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn, nhiều khả năng doanh số bán lẻ, du lịch, khách sạn và dịch vụ ăn uống của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong quý 1 và quý 2/2020.

Ông Zhang nói thêm những nỗ lực hồi phục từ cú sốc này của Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ phần nào, nhưng nền kinh tế có thể sẽ phục hồi đà tăng trưởng ở mức thấp hơn hơn dự báo trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục