Dịch viêm đường hô hấp COVID-19: Cập nhật tình hình dịch sáng 17/12

Theo worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 17/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 74.508.987 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.654.250 ca tử vong. Số
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 17/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 74.508.987 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.654.250 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 52.317.720 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 314.523 ca tử vong trong tổng số 17.385.399 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 144.487 ca tử vong trong số 9.954.769 ca bệnh. Brazil với 183.822 ca tử vong trong số 7.042.695 ca nhiễm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 16/12, đến thời điểm hiện tại, châu lục này ghi nhận tổng cộng 2.408.064 ca nhiễm và 57.057 ca tử vong, số bệnh nhân được chữa khỏi trên toàn châu lục là 2.037.148 người.

Các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất do đại dịch COVID-19 về số ca nhiễm bao gồm (theo thứ tự): Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia, Tunisia, Algeria, Kenya, Libya...; trong khi đó, dù xét về số ca nhiễm hay số ca tử vong, khu vực Nam Phi vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất và tiếp theo là khu vực Bắc Phi.

Hiện Nam Phi là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở "Lục địa Đen," với tổng cộng 873.679 ca nhiễm và 23.661 ca tử vong. Tiếp theo là Maroc với 403.619 ca nhiễm và 6.711 ca tử vong; Ai Cập, với 122.609 ca nhiễm và 6.966 ca tử vong.

[IDB huy động 1 tỷ USD giúp các nước Mỹ Latinh và Caribe mua vắcxin]

Liên quan tới vắcxin phòng COVID-19, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) thông báo sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD để hỗ trợ các nước Mỹ Latinh và Caribe mua và phân phối vắcxin ngừa COVID-19. Đây sẽ là khoản tín dụng thứ hai mà thể chế tài chính này dành cho khu vực sau khi đã cam kết 1,2 tỷ USD trong những tháng trước đây.

Theo Chủ tịch IDB Mauricio Claver-Carone, ngân hàng này sẽ tiếp tục mở rộng sự hỗ trợ đối với các nước trong khu vực để triển khai các biện pháp y tế phòng chống COVID-19, cũng như điều trị cho các bệnh nhân của đại dịch này.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh khu vực Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm và tử vong tăng liên tục trong thời gian qua. Mặc dù chỉ chiếm 8% dân số toàn thế giới, nhưng số ca mắc COVID-19 chiếm gần 20% và số ca tử vong chiếm khoảng 30% trên toàn cầu.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), có khoảng 5 triệu ca nhiễm mới trong tuần qua, chủ yếu tại Mỹ và Canada. Kể từ khi đại dịch bùng phát, châu Mỹ đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc COVID-19 và 787.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo chiến dịch tiêm vắcxin phòng COVID-19 ở nước này sẽ bắt đầu từ tuần cuối cùng của tháng này ngay sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê chuẩn vắcxin. Pháp đã đặt hàng 200 triệu liều vắcxin để tiêm cho 100 triệu người.

Vắcxin phòng COVID-19 Sputnik V của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự kiến, giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần, có tính đến thời gian trì hoãn 21 ngày giữa lần mũi tiêm đầu tiên và mũi nhắc lại, dành cho 1 triệu người cao tuổi.

Giai đoạn thứ hai nhắm vào gần 14 triệu người có yếu tố nguy cơ liên quan đến tuổi tác hoặc bệnh lý mãn tính, cũng như các nhân viên y tế. Giai đoạn thứ ba vào cuối mùa Xuân sẽ phục vụ tất cả người dân còn lại. Bên cạnh đó, Pháp tiếp tục tăng cường chiến dịch xét nghiệm, truy vết mở rộng và khuyến khích cách ly.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Tawfiq al-Rabiah thông báo nước này ngày 16/12 đã tiếp nhận hai chuyến hàng chở vắcxin ngừa COVID-19 và sẽ bắt đầu phân phối các liều vắcxin này trong 3 ngày tới. Ông đề nghị người dân đăng ký để nhận vắcxin và nhấn mạnh rằng vắcxin này sẽ được phát miễn phí cho tất cả người dân Saudi Arabia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tawfiq al-Rabiah không công bố Saudi Arabia đã nhận được bao nhiêu liều vắcxin và đó là loại vắcxin nào. Tuần trước, nhà chức trách y tế sở tại đã cấp phép nhập khẩu và sử dụng vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech.

Cùng ngày, Nigeria thông báo sẽ nhận được những liều vắcxin COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2021. Tuy nhiên, các quan chức y tế Nigerria hiện chưa rõ họ sẽ được cung cấp loại vắcxin nào. Hiện tại, Nigeria không có nhiều cơ sở để có thể bảo quản được vắcxin Pfizer/ BioNTech, vốn cần nhiệt độ âm 70 độ C.

Trong khi Chính phủ Nigeria đang xem xét chi phí lắp đặt tủ đông siêu lạnh, nước này cũng đang tìm kiếm một loại vắcxin không chỉ có hiệu quả cao mà còn có chi phí bảo quản và vận chuyển hợp lý. Nigeria đã ghi nhận 74.132 ca nhiễm, trong đó 1.200 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục