Ông Lê Xuân Trung, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau gần 3 tháng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 666 ổ dịch tả tại 55 địa bàn cấp xã, phường của 7 cấp huyện, buộc phải tiêu hủy 15.321 con.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan thêm trên diện rộng, đặc biệt phần lớn lợn nái và lợn đực giống là đối tượng phát bệnh và chết đầu tiên trong ổ dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng dự báo, hiện nay đang là cao điểm của mùa mưa, do đó trong thời gian tới nguy cơ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục lây lan theo 3 hướng: Dịch bệnh phát tán, lây lan sang các xã chưa có dịch; Dịch bệnh đã xâm nhập vào các trang trại chăn nuôi lớn; Tái phát tại các ổ dịch cũ dù đã qua 30 ngày. Trong khi đó, hiện giá lợn thịt đang giữ ở mức giá từ (34.000-36.000 đồng/kg).
Tuy nhiên, giá lợn con và lợn nái loại thải hiện còn quá thấp và tiêu thụ rất chậm, do đó người chăn nuôi rất khó khăn trong tiêu thụ để giảm đàn nhằm giảm khả năng lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh đã lây lan trên 7/8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) chưa có dịch nên hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh và các địa phương rút bỏ 8/10 chốt kiểm dịch tạm thời, nhằm tập trung lực lượng trong công tác xử lý dịch bệnh tại các ổ dịch.
Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, tính đến đầu tháng 9/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn 66 xã của tỉnh Cà Mau, với tổng lượng lợn của toàn tỉnh bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 2.900 con, tương đương với hơn 193 tấn thịt lợn.
Ngành thú y tỉnh Cà Mau nhận định, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Cà Mau vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, chưa có dấu dừng lại và có nguy cơ phát tán, lây lan sang những địa phương chưa có dịch, có khả năng tái phát ở các ổ dịch đã qua 30 ngày.
[Ninh Thuận: Xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi ở huyện Ninh Sơn]
Đơn cử, trên địa bàn tỉnh đã có 3 xã gồm Hàm Rồng, Hiệp Tùng (huyện Năm Căn) và xã Tân Hải (huyện Phú Tân) đã qua 30 ngày lại phát sinh thêm ổ dịch mới.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành thú y phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đặc biệt là các hộ chăn nuôi chấp hành tốt chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh về thực hiện giảm tổng đàn lợn trên địa bàn.
Cơ quan chức năng tỉnh cũng khuyến cáo người dân thực hiện giảm tổng đàn đối với lợn hơi; bảo vệ đàn lợn nái, lợn đực và lợn con.
Về lâu dài, các địa phương chủ động sản xuất những thực phẩm khác thay thế thịt lợn như: tăng cường quản lý đàn gia cầm hiện có trên địa bàn, nâng cao sản lượng, chất lượng trong chăn nuôi, quy hoạch lại vùng nuôi cá đồng để đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân thời gian tới.
Đây là một trong những giải pháp vừa góp phần ngăn chặn có hiệu quả bệnh dịch phát sinh, bùng phát ra diện rộng, vừa làm giảm thấp nhất về thiệt hại đối với ngành chăn nuôi.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, hộ chăn nuôi không được chủ quan, lơ là mà cần phải tiếp tục chủ động làm tốt phòng chống, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đặc biệt là duy trì một số chốt kiểm dịch, bố trí đủ lực lượng, phương tiện cần thiết để hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương; tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, kiên quyết không để bệnh dịch lây lan ra diện rộng.
Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã chi hơn 20 tỷ đồng cho phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở đia phương; trong đó, hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho người chăn nuôi có đàn lợn bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định./.