Ngày 12/4, Bộ Y tế Malawi thông báo dịch tả đã khiến ít nhất 30 người tử vong và làm 900 người khác bị lây nhiễm tại quốc gia 18 triệu dân nằm ở phía Đông Nam châu Phi này.
Bắt đầu bùng phát từ tháng 11/2017 tại thị trấn Bắc Karonga, dịch tả đã lan rộng ra 13 tỉnh lỵ khác. Bộ Y tế Malawi cho biết nước uống bị nhiễm khuẩn và thực phẩm kém vệ sinh là nguyên nhân gây ra dịch bệnh nghiêm trọng này.
Để ngăn chặn sự lây lan, Chính phủ Malawi đã bắt đầu cấm việc buôn bán thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị và khu chợ trong cả nước. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết tổ chức này đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền Malawi trong việc cung cấp thuốc men và các thiết bị y tế tại các khu vực nằm trong vùng dịch.
[Bệnh bạch hầu bùng phát nhanh tại Yemen, hơn 1.300 người nhiễm bệnh]
Trước đó, ngày 6/1, dịch tả bùng phát ở nước láng giềng Zambia đã buộc trường đại học công lập lớn quốc gia này phải thông báo tạm thời đóng cửa. Chính phủ Zambia đã phải ban hành sắc lệnh yêu cầu quân đội hỗ trợ đẩy lùi dịch tả đang lây lan rất nhanh trên quy mô cả nước.
Kể từ cuối tháng 9/2017, dịch bệnh này tại Zambia đã cướp đi sinh mạng của 41 người và khiến hơn 1.500 người khác bị lây nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc đường ruột cấp tính ở người do phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae gây nên. Biểu hiện bệnh chủ yếu là nôn và tiêu chảy với số lượng lớn dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng, có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Năm ngoái, chỉ trong vòng hai tháng, dịch tả bùng phát dữ dội tại Yemen đã làm 1.500 người thiệt mạng trong đó một phần tư là trẻ em. Đây là một trong những đợt bùng phát dịch tả tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.
Ít khi xuất hiện tại các quốc gia phát triển, bệnh tả thường bùng phát tại các nước nghèo và kém phát triển trên thế giới, đặc biệt tại nhiều vùng của châu Phi, nơi thiếu nguồn cung cấp nước sạch, vệ sinh thực phẩm kém và môi trường ô nhiễm trầm trọng./.