Dịch sởi hoành hành tại Bulgaria, đa số do không tiêm vaccine

Các quan chức y tế Bulgaria đã bày tỏ lo ngại về việc gia tăng số ca ghi nhận nhiễm sởi tại nước này, đồng thời kêu gọi những người chưa tiêm vaccine khẩn trương đi tiêm phòng.
Dịch sởi tại Bulgaria đang lây lan nhanh chóng. (Nguồn: Time)

Các quan chức y tế Bulgaria đã bày tỏ lo ngại về việc gia tăng số ca ghi nhận nhiễm sởi tại nước này, đồng thời kêu gọi những người chưa tiêm vaccine khẩn trương đi tiêm phòng.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Sofia ngày 27/2, Chánh thanh tra y tế nhà nước, Tiến sĩ Angel Kunchev cho biết giới chức trách xác nhận hiện có tới 51 ca bệnh sởi tại Bulgaria, đa số đều là đều không tiêm vaccine. Tiến sĩ Kunchev đánh giá hiện Bulgaria đang rơi vào cuộc chiến với dịch sởi. Ông một lần nữa nhấn mạnh việc tiêm phòng sởi là bắt buộc và miễn phí tại Bulgaria.

Trong khi đó, giáo sư Todor Kantardjiev, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Các bệnh truyền nhiễm và ký sinh Bulgaria cho biết ở điều kiện thông thường, cứ 1.000 ca mắc sởi thì chỉ có 1 ca tử vong. Tuy nhiên, quốc gia láng giềng Romania đã ghi nhận tới 11.000 ca nhiễm sởi trong năm 2017 với 59 trường hợp tử vong. Điều này khiến Bulgaria vô cùng lo ngại.

[Chuyên gia báo động dịch sởi hoành hành trở lại trên đất Mỹ]

Trong năm 2017 và 2018, Bulgaria ghi nhận số ca nhiễm sởi lần lượt là 165 và 13 ca, tăng so với 1 ca duy nhất trong năm 2016. Trước đó, hai năm 2014, 2015, ở nước này không có bất kỳ ca bệnh sởi nào.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi với tỷ lệ lây nhiễm cao tới 90% nếu người mắc chưa được tiêm phòng. Người nhiễm sởi có các triệu chứng sốt, phát ban, ho, mắt đỏ...Bệnh tuy ít gây tử vong nhưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc, viêm não, đặc biệt ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 trẻ nhỏ mắc sởi sẽ có 1 trẻ bị viêm phổi, và cứ 1.000 trẻ mắc sởi lại có 1 bé bị viêm não hoặc gặp tình trạng phù nề ở não, có thể dẫn tới co giật, điếc và tổn thương não. Ngoài ra, 11/100.000 người (cả trẻ em và người lớn) mắc sởi sẽ tiếp tục bị viêm não toàn bộ xơ hóa cấp tính (SSPE) ở hệ thần kinh trung ương khoảng 10 năm sau lần đầu nhiễm virus sởi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục