Ngày 19/8, giới chức y tế Mỹ thông báo nước này đã ghi nhận thêm 21 ca nhiễm sởi mới vào tuần trước, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu năm đến nay lên 1.203 ca.
Đây là đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng nhất kể từ năm 1992 - năm ghi nhận số người nhiễm sởi cao ở mức kỷ lục tại Mỹ với 2.126 trường hợp.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm mạnh và thậm chí là tử vong tại 30 bang tính đến ngày 15/8.
Tuy nhiên, CDC nhận định trong những tuần qua, số ca nhiễm sởi đã tăng ít hơn so với hàng trăm trường hợp chỉ trong 1 tuần vào đầu năm nay.
Các chuyên gia y tế cho biết virus sởi lây lan chủ yếu ở các em nhỏ trong độ tuổi đến trường.
Nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn giữ quan điểm không tiêm vắcxin phòng bệnh cho con do lo ngại vắcxin có thể gây bệnh tự kỷ, cho dù các nghiên cứu khoa học đều bác bỏ quan điểm trên, cho thấy vắcxin hoàn toàn an toàn. Chính việc không tiêm vắcxin đã ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch cộng đồng.
Trước đó, CDC cho biết dịch sởi bùng phát ở New York từ mùa Thu 2018, đa số tập trung tại các cộng đồng nhỏ, nơi tỷ lệ tiêm vắcxin thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên toàn quốc hiện đang ở mức 90%.
Nguồn lây bệnh là du khách tới từ những nước mà bệnh sởi vẫn còn phổ biến.
Chính phủ Mỹ đã tuyên bố xóa sổ dịch bệnh này năm 2000. Theo CDC, chính quyền sẽ xem xét việc tuyên bố xóa sổ dịch sởi nếu không có ca lây nhiễm bệnh nào trong hơn 12 tháng, do vậy, nếu dịch tiếp tục lây lan tại New York trong 4 tháng nữa, Mỹ sẽ không thể tuyên bố là đã loại bỏ hoàn toàn bệnh sởi.
Sởi là căn bệnh lây nhiễm cao có khả năng dẫn đến mù lòa, điếc, tổn thương não và tử vong. Các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái./.