Dịch SARS là một trong những dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đầu tiên được ghi nhận trong thế kỷ 21. Chỉ trong một thời gian ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Sự nảy nở nhanh của bệnh cùng với đặc tính dễ lây lan đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng tột độ cho những người phải tiếp xúc, sống gần khu vực có bệnh nhân. Tuy nhiên, sau 45 ngày chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận khống chế thành công dịch nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Y tế cùng sự dũng cảm, hy sinh và những “chiến thuật” sáng tạo của các bác sỹ trong cuộc chiến này. Cái khó ló cái “khôn” Chia sẻ về những thành công trong khống chế dịch bệnh SARS, giáo sư Lê Đăng Hà, nguyên Giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Quốc gia (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cười bảo: “Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó đã ló cái khôn.” Bác sỹ Hà nhớ lại, những ngày cao điểm của dịch dịch SARS khiến các bác sỹ, nhân viên y tế “quay cuồng” vì tình trạng viêm phổi của người bệnh tiến triển rất nhanh. “Mới hôm trước phổi của bệnh nhân chưa bị tổn thương nhiều, nhưng sang đến hôm sau thì đã trắng xóa. Bệnh nhân không thở được, dẫn tới suy hô hấp. Và đặc biệt, có một điều các bác sỹ trăn trở là tại sao có một số bệnh nhân không hề tiếp xúc với người bệnh mà vẫn mắc bệnh?” Vì vậy, câu hỏi đó cứ thôi thúc ông và những bác sỹ cần phải tìm tòi và sáng tạo ra cách phòng bệnh hiệu quả. Cuối cùng, qua bao nhiêu gian khó, câu trả lời cho điều băn khoăn đó đã có. Ông Hà cho hay, nguyên nhân là do những phòng bệnh trước đây vốn dùng làm nơi điều trị bệnh nhân, dù đã được vệ sinh nhưng không thể tiêu diệt được hết nguồn bệnh còn khu trú trong những thiết bị y tế, máy lạnh nên kể cả khi bệnh nhân đã xuất viện thì virus vẫn tồn tại. Trong khi đó, máy làm sạch không khí thì quá đắt, giá lên tới vài trăm triệu đồng, vì vậy nguồn tài chính của viện không cho phép. Trong bối cảnh đó, “cái khó ló đã ló ra cái khôn”, ông cùng các đồng nghiệp bàn bạc, quyết định đầy táo bạo là không dùng điều hòa nhiệt độ mà tiến hành mở hết cửa sổ buồng có bệnh nhân SARS, đóng kín cửa ra vào, dùng các quạt máy mạnh để thông gió, đẩy virus ra ngoài trời nắng, để chúng bị nhiệt độ tiêu diệt. “Cách làm đỡ tốn kém mà lại hiệu quả. Bệnh nhân dần khỏi bệnh, không một nhân viên y tế nào của Viện bị lây nhiễm bệnh. Đặc biệt, sau 45 ngày, dịch bị khoanh vùng, chặn đứng và bị tiêu diệt, không có bệnh nhân nào bị tử vong, dịch đã không lây lan ra cộng đồng,” ông Hà tự hào nói về những chiến công của các bác sỹ thời đó. Minh bạch thông tin Là người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho hay, ông đã trải qua qua hàng trăm vụ dịch, nhưng chưa có vụ dịch nào căng thẳng và áp lực như đại dịch SARS năm 2003. Khi dịch SARS bùng phát, là người đứng đầu Vụ Y tế Dự phòng – Vụ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ông Huấn nhớ lại, dịch SARS bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc từ tháng 11/2002. Đến ngày 24/2/2003, một người Mỹ gốc Trung Quốc từ Hongkong sang Việt Nam có các triệu chứng sốt, ho… Ngày 26/2/2013 bệnh nhân đó nhập viện Việt-Pháp. Sau đó, tình hình dịch tương đối nguy hiểm. Tại Việt Nam, “điểm nóng” đầu tiên của dịch là bệnh viện Việt-Pháp. Những ngày đầu tháng Ba, số ca nhiễm bệnh tăng lên hàng ngày, từ 15 lên 17, 20 rồi 30 người… Ông Huấn nhấn mạnh, vào thời điểm đó, điều nguy kịch nhất là nhiều trường hợp nhiễm SARS khó thở, sốt cao, trong khi đó số lượng máy thở thì rất ít nên nguy cơ các bệnh nhân tử vong rất cao.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nguyên Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho hay, từ giữa tháng 3/2003, dịch bệnh lúc đó đã đến mức khẩn cấp, báo động. Vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập ngay Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh này, với sự tham gia của hầu hết các bộ, ban ngành, từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học-công nghệ do Phó Thủ tướng Nguyễn Gia Khiêm chịu trách nhiệm chính. Từ sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện, Bộ Y tế liên tục làm việc chặt chẽ với WHO để xem xét bệnh dịch và đưa những thông tin chính thức về một dịch bệnh lạ. Trở về với những ngày tháng sục sôi, dành hết tâm huyết cho công tác phòng bệnh, chuyên gia y tế cao cấp Trịnh Quân Huấn kể: “Từ khi công bố dịch, vào 17 giờ hàng ngày, Bộ Y tế chủ trì giao ban thông báo tình hình dịch và các hoạt động của 4 tiểu ban: giám sát, điều trị, hậu cần và truyền thông. Để ứng phó và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hầu như tại Bộ Y tế suốt đêm lúc nào cũng sáng đèn, đặc biệt là Vụ Y tế dự phòng để cập nhật thông tin, viết báo cáo, làm văn bản…” Như vậy, bài học thành công đầu tiên trong việc đẩy lùi dịch bệnh SARS là sự kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với WHO để xem xét tình trạng bệnh dịch. Theo ông Huấn, một nguyên nhân nữa góp phần tạo nên thành công của Việt Nam trong khống chế dịch bệnh trên là do Việt Nam không giấu dịch, thông tin minh bạch làm cho dân đỡ hoang mang. Khi Việt Nam công bố dịch SARS để thành lập ban chống dịch, triển khai một loạt biện pháp để khống chế. Sau khi công bố dịch, ngành y tế gần như ngay lập tức được chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ rất nhiều về các phương tiện phòng dịch, trang thiết bị y tế... Đề cập đến vấn đề thành công của Việt Nam trong việc khống chế dịch SARS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi khẳng định, 10 năm đã trôi qua nhưng những bài học rút ra từ cuộc chiến chống lại dịch SARS vẫn còn nguyên giá trị . Nguyên nhân là do Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, cúm A/H3N2 hay cúm A/H7N9 đang có nguy cơ xâm nhập lớn. Vì vậy, bài học thành công từ khống chế dịch SARS đã tạo tiền đề cho Việt Nam có nhiều kinh nghiệm quý trong công tác phòng chống nhiều loại dịch bệnh như việc phản ứng nhanh hay chuẩn bị cơ sở vật chất của mạng lưới y tế dự phòng tốt, cộng với việc điều trị tích cực hiệu quả... Không chiến thắng nào mà không có tổn thất. Bên cạnh những thành công rực rỡ, ngành y tế Việt Nam cũng phải hứng chịu những mất mát không thể bù đắp nổi, đó là sự hy sinh của một số y bác sỹ trong cuộc chiến chống lại dịch SARS. Thứ trưởng Long nhấn mạnh, để ứng phó với dịch SARS, đã có 5 nhân viên y tế và cả chuyên gia quốc tế - bác sỹ Carlo Urbani đã ra đi vĩnh viễn. Điều này sẽ luôn nhắc nhở ngành y tế đề cao cảnh giác với những bệnh lạ mới phát sinh, luôn ghi nhớ sự hy sinh thầm lặng của những y bác sỹ đã hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ sau dịch SARS, Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, các phương tiện điều trị, hỗ trợ ngày một đầy đủ hơn, trình độ hồi sức cũng được nâng lên...
Hệ thống giám sát phòng dịch được xây dựng từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh bùng phát hay có một ca bệnh nguy hiểm là ngay lập tức hệ thống giám sát trên đáp ứng nhu cầu ngay.
Ông Long cho hay, kinh nghiệm phòng chống bệnh SARS ở Việt Nam cho thấy sự cam kết chính trị được triển khai ngay lập tức sau khi có dịch đóng một vai trò quan trọng quyết định. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới làm cách nào một nước đang phát triển bị một dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng tấn công đã chiến thắng bệnh tật.
|
Thùy Giang - Minh Hằng (Vietnam+)