Dịch ở Campuchia thuyên giảm, Indonesia tăng giường điều trị tích cực

Chỉ còn 2 trong tổng số 14 quận nội thành tại thủ đô Phnom Penh ghi nhận mức độ lây nhiễm cao. Trong khi đó Indonesia đang chuẩn bị thêm giường điều trị tích cực sau khi ghi nhận số ca tử vong kỷ lục.
Dịch ở Campuchia thuyên giảm, Indonesia tăng giường điều trị tích cực ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 25/7, tình hình dịch COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh có dấu hiệu giảm bớt, với chỉ 2 trong tổng số 14 quận nội thành còn ghi nhận mức độ lây nhiễm cao.

Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đánh giá: “Tình hình các ca lây nhiễm ở toàn bộ các quận nội thành đang giảm, dù mức độ còn tương đối cao hơn ở hai quận Meanchey và Por Sen Chey."

Đây là 2 quận có nhiều nhà máy và số lượng công nhân đông đảo.

Lý giải thêm về nguyên nhân số ca mắc mới giảm, ông Khuong Sreng cho rằng điều này bắt nguồn từ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thủ đô, kết thúc từ ngày 8/7 vừa qua, cũng như do ý thức của người dân tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền thành phố Phnom Penh vẫn tỏ ra thận trọng, yêu cầu duy trì những biện pháp phòng ngừa.

Tính đến ngày 22/7, Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 6,4 triệu người, tương ứng mục tiêu miễn dịch cho 64% tổng số người trưởng thành.

Ngày 24/7, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Ngov Kang khẳng định dù nhu cầu đang tăng cao nhưng nước này có đủ nguồn cung ứng oxy cho các bệnh nhân trên khắp cả nước nói chung chứ không chỉ riêng những người mắc COVID-19.

[Indonesia đối mặt nguy cơ xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn cả Delta]

Tuy nhiên, quan chức cấp cao Bộ Y tế Campuchia cũng lưu ý để phá vỡ chuỗi lây nhiễm và tránh tình trạng thiếu oxy, người dân cần chung tay cùng chính phủ ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng.

Ngày 24/7, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 32 người tử vong và 860 ca mới, trong đó có 395 ca nhập cảnh. Đây là ngày có số ca nhập cảnh mắc COVID-19 cao thứ hai kể từ trước đến nay.

Trong khi đó, tại Indonesia, nước này đang chuẩn bị thêm các khoa điều trị tích cực, sau khi ghi nhận số ca tử vong trong nhiều ngày ở mức cao kỷ lục.

Do sự lây lan của biến thể Delta, Indonesia đã trở thành "tâm dịch" COVID-19 của khu vực châu Á, với nhiều bệnh viện trở nên quá tải, đặc biệt là tại hòn đảo đông dân Java.

Dịch ở Campuchia thuyên giảm, Indonesia tăng giường điều trị tích cực ảnh 2Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Bekasi, Indonesia ngày 20/7/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo giới chức Indonesia, nguyên nhân khiến số người tử vong do mắc COVID-19 tại nước này tăng là do bệnh viện quá tải, bệnh nhân nhập viện muộn, hoặc tử vong vì không được theo dõi do tự cách ly.

Do đó, chính quyền nước này sẽ tăng cường các khoa điều trị tích cực tại những khu vực ghi nhận số người tử vong cao nhất.

Tại Malaysia, cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã kêu gọi đoàn kết vượt qua đại dịch COVID-19.

Theo ông, thành công của Kế hoạch phục hồi quốc gia (PPN) giúp đưa Malaysia thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của tất cả các bên, vì đây là “cách tiếp cận toàn dân” chứ không phải là “toàn bộ chính phủ."

Đề cập đến những điểm mới trong cuộc chiến chống dịch, ông Muhyiddin cho biết Malaysia sẽ tăng thêm số bệnh viện công điều trị COVID-19 nhằm cung cấp đủ giường cho những ca điều trị tích cực; rà soát và chuyển các trường hợp không phải COVID-19 sang các bệnh viện tư nhân.

Cùng với đó, Malaysia sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là ở khu vực có số ca nhiễm mới và tử vong cao. Trên thực tế, hiện đã có 8/13 bang đã chuyển sang Giai đoạn 2 của PPN và bang Sarawak đang được kỳ vọng sẽ nằm trong số những bang sớm nhất chuyển sang Giai đoạn 3 do tỷ lệ tiêm chủng cao và kiểm soát sức khỏe tốt.

Đề cập đến ngân sách, Thủ tướng Muhyiddin cho biết kể từ tháng 3/2020, chính phủ phân bổ hơn 70 tỷ ringgit (khoảng 28 tỷ USD) để ứng phó với đại dịch cho Bộ Y tế, tương đương với 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế công.

Đây là mức phân bổ cao nhất trong lịch sử của Malaysia trong một thời gian ngắn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục