Dịch nCoV: Toàn châu Phi sẵn sàng đối phó với nguy cơ lây nhiễm cao

Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch châu Phi (CDC) cho biết đã khởi động trung tâm khẩn cấp để đối phó với cảnh báo từ các chuyên gia y tế toàn cầu về một nguy cơ cao lây lan nCoV sang châu lục này.
Dịch nCoV: Toàn châu Phi sẵn sàng đối phó với nguy cơ lây nhiễm cao ảnh 1Một tấm biển cảnh báo phòng dịch bệnh do virus corona mới gây ra ở Nam Sudan. (Nguồn: africatimes.com)

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra đang diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn thế giới, với gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người nhiễm bệnh, châu Phi đang khẩn trương xúc tiến các biện pháp đối phó với nguy cơ lây nhiễm cao tại châu lục mình.

Một khu cách ly đã sẵn sàng tại bệnh viện ở thủ đô Khartoum của Sudan. Các phòng thí nghiệm tại Senegal và Madagascar đã có các thiết bị xét nghiệm nCoV. Hành khách đến các sân bay ở Gambia, Cameroon và Guinea đều được kiểm tra thân nhiệt và các triệu chứng khác của virus nguy hiểm này.

Trong khi đó, Cộng hòa Dân chủ Congo đã cấm công dân sang Trung Quốc. Burkina Faso đã đề nghị các công dân Trung Quốc hoãn đến Burkina và cảnh báo sẽ phải bị cách ly. Kenya, Tanzania và Rwanda đều đã ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc.

[Diễn biến dịch virus 2019-nCoV ngày 6/2: Số ca nhiễm vượt quá 28.000]

Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch châu Phi (CDC) cho biết đã khởi động trung tâm khẩn cấp để đối phó với cảnh báo từ các chuyên gia y tế toàn cầu về một nguy cơ cao lây lan nCoV sang châu lục này.

CDC cũng sẽ tổ chức tập huấn tại Senegal cho 15 quốc gia châu Phi về việc chẩn đoán trong phòng thí nghiệm.

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Phi cho biết đến cuối tuần này, thêm 24 quốc gia châu Phi sẽ được nhận được dụng cụ xét nghiệm nCoV.

Tại một châu lục nghèo khó, nơi khả năng chăm sóc y tế rất hạn chế, việc phát hiện sớm các ca nhiễm đóng vai trò quan trọng. Nếu dịch nCoV lây lan sang châu Phi sẽ rất khó kiềm chế bởi hệ thống y tế ở đây vốn đang quá tải với các bệnh nhân Ebola, sởi, sốt rét và nhiều bệnh truyền nhiễm gây chết người khác.

Người phụ trách chương trình hành động khẩn cấp của văn phòng khu vực châu Phi thuộc WHO, ông Michel Yao cho biết: "Điều quan trọng là hạn chế lây truyền từ các nước bị ảnh hưởng, thứ hai là đảm bảo rằng chúng ta có khả năng cách ly và có cách điều trị phù hợp cho những người sẽ nhiễm."

Theo số liệu thống kê mới nhất do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 6/2, nước này đã ghi nhận số trường hợp nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) lên con số 28.018, với 3.694 ca nhiễm mới. Ngoài Trung Quốc đại lục, có 1 trường hợp tử vong ở Philippines và một trường hợp tử vong ở Hong Kong (Trung Quốc).

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Y tế Singapore tối 5/2 thông báo có thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này lên 28. Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, 3/4 trường hợp mới phát hiện liên quan trực tiếp tới các bệnh nhân đã phát hiện thời gian qua, trong đó có 1 bé trai mới 6 tháng tuổi. Trường hợp còn lại nằm trong số 92 công dân Singapore mới từ Vũ Hán trở về. Cũng theo bộ trên, đã có 1 bệnh nhân được chữa khỏi, 22 bệnh nhân trong tình trạng ổn định và 1 bệnh nhân còn lại phải hỗ trợ ống thở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục