Dịch nCoV có thể làm chậm hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc

Cố vấn kinh tế Larry Kudlow nhận định dịch bệnh sẽ ảnh hưởng, ít nhất trong tương lai gần, đến khả năng của Trung Quốc trong việc tăng lượng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong 2 năm.
Containers hàng hóa Trung Quốc tại cảng Long Beach, California, Mỹ, ngày 27/2/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Containers hàng hóa Trung Quốc tại cảng Long Beach, California, Mỹ, ngày 27/2/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) bùng phát tại Trung Quốc có thể làm chậm lại xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, vốn được dự đoán sau thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1, sẽ có hiệu lực trong tháng này.

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của Fox Business Network ngày 4/2, đánh dấu lần đầu tiên một quan chức của Chính phủ Mỹ nói rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng, ít nhất trong tương lai gần, đến khả năng của Trung Quốc trong việc tăng lượng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong 2 năm.

Theo ông Kudlow, sự bùng nổ xuất khẩu của Mỹ nhờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc sẽ diễn ra chậm hơn do dịch bệnh.

[Kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc đối mặt tác động tiêu cực do dịch bệnh]

Theo văn bản thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước ký ngày 15/1 và thực thi từ ngày 15/2, có một điều khoản đề ra việc tiến hành thảo luận trong trường hợp xảy ra một thảm họa thiên nhiên hay các sự việc bất ngờ khác nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên khiến một phía chậm trễ trong việc thực hiện các trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, ông Kudlow cho rằng dịch bệnh đã khiến nhiều nhà máy và thành phố tại Trung Quốc phải đóng cửa và hạn chế việc ra vào nước này sẽ không gây ra tác động lớn đến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.

Theo ông, dịch bệnh có thể thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp và dẫn tới việc tăng cường sản xuất tại Mỹ.

Ông Kudlow cho rằng tình trạng thiếu linh kiện có thể xảy ra cục bộ chứ không phải trên diện rộng.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn có các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ít chịu tác động, trong khi các hãng dược phẩm phụ thuộc vào các nguyên liệu của Trung Quốc sẽ chịu tác động nhiều hơn.

Theo một báo cáo ngày 4/2 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, cho đến nay, Trung Quốc chưa yêu cầu miễn hay dừng thực hiện các cam kết.

Ủy ban này cho biết dịch bệnh đang tiếp tục lây lan gây ra những thiệt hại về người và nền kinh tế Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến khả năng của nước này trong việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận với Mỹ.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba của Mỹ trong năm 2019 (tính đến tháng 11), sau Mexico và Canada do cuộc chiến thương mại giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục