Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa'

Họa sỹ Trịnh Lữ, dịch giả nhiều cuốn "Cuộc đời của Pi," "Rừng Na Uy" từng sống với nhiều ngành nghề, để rồi hun đúc lại một hành trình đậm đặc để kể qua tranh, hội họa và cuốn "Vẽ gì cũng là tự họa."
Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa' ảnh 1Tranh ''Tò he, đố biết ông đang nặn con gì.'' (Ảnh: NVCC)

Sáng 11/1 tại không gian triển lãm The Muse Art Space (47 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt sách "Vẽ gì cũng là tự họa" của họa sỹ-dịch giả Trịnh Lữ. Cuốn sách do Omega Plus phát hành, mở đầu cho Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của đơn vị này.

Sự kiện mở ra cơ hội để độc giả và người yêu nghệ thuật được biết về một con người đa tài và giàu kinh nghiệm, không chỉ trong hội họa mà còn cả trong nhiều ngành nghề khác.

Cắt tóc, dịch sách, làm báo... rồi về với tranh

Trong các ngày từ 4/1 đến 11/1/2022, họa sỹ Trịnh Lữ đã mang đến cho Hà Nội triển lãm tranh bằng nhiều chất liệu, nhiều nhất là phấn màu, rồi đến chì than và màu nước, sơn dầu, thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật tại Thủ đô.

Họa sĩ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 và là con trai của hai họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Nguyễn Thị Khang, anh trai của họa sỹ Trịnh Tú... Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc là nhà thiết kế nội thất đầu tiên tại Việt Nam, không dạy cho các con cách làm giàu mà luôn chỉ dạy cách đam mê với nghệ thuật.

“Ngày nào con cũng phải vẽ một chút, vẽ gì thì vẽ, miễn là có vẽ,” cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc dặn con lúc sinh thời. Ông Trịnh Lữ mang lời dặn theo những giai đoạn khó khăn nhất, thực hành bằng từng mẩu bút chì nho nhỏ và những tờ giấy một mặt cũ kỹ để "duy trì sự liên lạc" với đam mê của bản thân.

Khi xưa, họa sỹ Trịnh Lữ từng trải qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Ông từng nhận làm mộc, cưa, cắt các khung tranh gỗ giả cổ hay làm nghề cắt tóc như bố khuyên để sống. Về sau, ông có cơ hội trải nghiệm với nghề phát thanh-báo chí, làm truyền thông cho nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam về giáo dục, dịch sách và hiện nay, ông chọn toàn tâm toàn ý với mỹ thuật, hội họa.

Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa' ảnh 2Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ. (Ảnh: Facebook Trinh Lu)

Vì nhiều lý do khách quan, ông đã không thể nhập học một trường đại học mỹ thuật mà phải theo học tại trường Mỏ Địa chất, nhưng không theo nghề. Nhờ khả năng nhại giọng tiếng nước ngoài, ông được tuyển vào làm phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam.

Công việc báo chí này đã mở ra cho ông đường đi với ngành truyền thông tại Đại học Cornell (New York), có cơ hội tu nghiệp về hội họa, tâm lý học thị giác, phê bình mỹ thuật ở Mỹ. Năm 1993, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên tại New York và được tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn là "Nghệ sĩ của năm."

Cơ duyên để ông trở thành một dịch giả bắt đầu từ việc ông nhận dịch giúp cuốn “Cuộc đời của Pi.” Bản dịch mang về cho ông giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2014, từ đó, kéo ông đi tiếp qua công việc dịch sách những tác phẩm nổi tiếng khác như “Đại gia Gatsby” hay “Rừng Na Uy”... Mỗi tác phẩm ông dịch, mỗi câu từ ông đọc đều trở thành những nguồn ảnh hưởng để xây dựng nên một người được nhận xét là đa tài như Trịnh Lữ ngày nay.

Với ông, việc nỗ lực làm hết sức mình ở từng nghề dường như có hai sắc thái. Nó vừa là nỗ lực để sống, sinh tồn song cũng là cố gắng để thấy được cái đẹp trong mỗi nghề, để trong cuộc sống “không cảm thấy chán đời.”

“Vẽ gì cũng là tự họa”

Đây là quan điểm nghệ thuật mà họa sỹ Trịnh Lữ dùng để đúc kết cho 60 năm thực hành nghệ thuật của mình và nhiều thực hành ngành nghề khác. Ông chia sẻ: “Tranh cũng như những vật ta nhìn thấy xung quanh. Chúng ta là người gắn ý nghĩa cho nó và cũng chính chúng ta phải làm ra cái ý nghĩa đó.”

"Đừng mắt nhìn tay vẽ, mà hãy vẽ bằng ý tưởng, bằng suy nghĩ và minh họa từ đó," họa sỹ Trịnh Lữ nói thêm. Ông cho rằng, họa sỹ là người vẽ ra từ tâm tư của chính mình. Một bức tranh trở thành công cụ và cái cớ để người xem nhìn vào, tự trải nghiệm chính mình qua đó.

Nói về cuốn sách, tác giả cho biết cơ duyên nó ra đời thực chất cũng nằm ở lý do khách quan - dịch bệnh COVID-19. "Lúc dịch lớn quá, tôi quyết định không làm triển lãm nữa và chuyển thành trưng bày qua sách. Đây cũng là dịp để tôi nhìn lại hơn 60 năm vẽ của mình." Cũng qua cuốn sách, ông hy vọng những bức tranh có thể đến được với nhiều người hơn.

Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa' ảnh 3Cuốn sách ''Vẽ gì cũng là tự họa của tác giả Trịnh Lữ.'' (Ảnh: Omega Plus)

Người làm sao, của chiêm bao là vậy, họa sỹ Thành Chương nhận xét khi nói về “Vẽ gì cũng là tự họa” của dịch giả-họa sỹ Trịnh Lữ. Ông Thành Chương dành cho người đàn anh rất nhiều sự tôn trọng, đánh giá cao về cả phong cách sống và kiến thức. Họa sỹ Thành Chương nhận xét câu chuyện "tự họa" của người nghệ sỹ không phải điều gì xa lạ, nhưng để đúc kết thành sáu chữ đơn giản, súc tích như tiêu đề cuốn sách thì chính ông cũng cảm thấy bất ngờ, ngỡ ngàng.

Qua những tác phẩm xuất hiện trong sách và triển lãm "Vẽ gì cũng là tự họa," họa sỹ Phạm Bình Chương cho rằng họa sỹ Trịnh Lữ có nền tảng sơn dầu nhưng tạo được những rung cảm rất riêng qua chất liệu phấn màu vốn không đặc biệt phổ biến tại Việt Nam.

Trước "Vẽ gì cũng là tự họa," họa sỹ Trịnh Lữ từng cho ra mắt "Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014""Ghi chép" ra mắt đầu năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục