Đích đến thực sự của Mỹ trong vấn đề Afghanistan là gì?

Quyết định rút quân của Mỹ chỉ đồng nghĩa với việc Washington sẽ khởi động lại các chính sách chú trọng hơn vào việc tăng cường mối quan hệ với chính quyền Afghanistan theo từng giai đoạn.
Binh sỹ Mỹ ở Afghanistan. (Nguồn: AP)

Theo trang mạng asiatimes.com, cuộc họp cấp bộ trưởng gần đây tại Dushanbe (Tajikistan) của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm liên lạc của SCO với Afghanistan đã để lại nhiều thất vọng.

Tuy tuyên bố của SCO về Afghanistan chỉ là một bước đi nhỏ, song cũng rất quan trọng nếu xét đến những mâu thuẫn nội bộ ngày càng lớn của nhóm này.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán Doha cũng không có tiến triển. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã âm thầm nối lại các cuộc không kích nhằm vào Taliban. Mặc dù không thể duy trì lực lượng trên thực địa, nhưng việc Mỹ đang xây dựng lại năng lực quân sự-chính trị để vạch ra tiến trình hòa bình theo các chiều hướng phù hợp với lợi ích địa chính trị của nước này.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan rõ ràng có tác động đến nhiều nước trong khu vực. Về phần mình, Nga thậm chí đã liên hệ với Mỹ để thành lập một nhóm các nước phụ trách vấn đề Afghanistan theo cơ chế ba bên “Troika." Cơ chế này gồm 3 thành viên luân phiên nhau làm chủ tịch, nhằm đảm bảo cho nhóm được vận hành liên tục.

Ngoài tiến trình đàm phán Doha, các cuộc thảo luận dưới định dạng khác cũng đang được tiến hành. Dường như các nước đều muốn thúc đẩy tiến trình chính trị này. Gần đây, Tehran đã tổ chức một hội nghị cho các đại diện của chính phủ Afghanistan và Taliban.

Trung Quốc cũng từng đề nghị trở thành nước hỗ trợ cho đối thoại nội bộ Afghanistan “bất kỳ lúc nào." Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ngay lập tức đưa ra lời khuyên: “Chúng tôi nghĩ rằng không cần đưa ra bất kỳ thỏa thuận mới nào để thực hiện điều này. Chúng ta chỉ cần làm những gì đã được chính phủ Afghanistan và Taliban chấp thuận” tại Doha.

So với SCO, dường như Nga dành sự ưu tiên cao hơn cho Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) trong việc sử dụng làm phương tiện an ninh để xử lý tình hình hiện nay tại Afghanistan. Ngoại trưởng Lavrov cũng tiết lộ rằng Troika đã “thảo luận, đặc biệt là về việc xét tư cách thành viên của Ấn Độ và Iran. Tôi tin rằng điều đó sẽ giúp tăng cường năng lực của định dạng này. Qua đó, chúng tôi sẽ theo dõi khả năng vận hành của tổ chức."

Tất nhiên, Iran được cho là có tầm ảnh hưởng đối với cả Taliban lẫn chính phủ Afghanistan, cũng như các cộng đồng người Shi’ite ở Afghanistan, đặc biệt là người Hazara. Mặc dù vậy, Iran sẽ không ngồi chung bàn đàm phán với Mỹ, vì sự can dự lâu dài của Mỹ ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Iran.

Trong khi đó, Ấn Độ đang là bạn đồng hành của Mỹ trong vấn đề Afghanistan, đồng thời từng có quan điểm nhất quán về sự tín nhiệm của Taliban với tư cách một thực thể tự trị ở Afghanistan. Ấn Độ còn có quan hệ tốt đẹp với chính phủ Afghanistan do Tổng thống Ashraf Ghani đứng đầu.

Dự kiến Tham mưu trưởng quân đội Afghanistan cũng sẽ sớm đặt chân đến Delhi. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi chưa đề cập đến việc triển khai lực lượng mặt đất, Ấn Độ đã có lập trường cương quyết về “khía cạnh hợp pháp” của Taliban, việc điều quân của Taliban phải thông qua một quy trình dân chủ và tuân thủ hiến pháp.

Rõ ràng, bất kỳ động thái nào nhằm mở rộng cơ chế Troika nói trên - qua đó thu hút Iran và Ấn Độ tham gia - đều sẽ không phải là bước đi đầu tiên.

Về cơ bản, Mỹ quyết tâm can dự vào Afghanistan và quyết định rút quân của Mỹ chỉ đồng nghĩa với việc Washington sẽ khởi động lại các chính sách chú trọng hơn vào việc tăng cường mối quan hệ với chính quyền Ghani theo từng giai đoạn. Hiện các quốc gia trong khu vực vẫn chưa nhận thức đầy đủ về thực tế này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang sở hữu một la bàn để điều hướng tình hình Afghanistan. Trong đó, vị trí mặc định của la bàn này là việc củng cố một “chính sách tiền tuyến."

[Tổng thống Afghanistan lý giải nguyên nhân an ninh nước này xấu đi]

Việc rút quân này đồng nghĩa với việc giúp giảm thiểu thương vong cho Mỹ trong giai đoạn sắp tới. Điều này còn cho phép Mỹ dốc toàn lực ngăn chặn nguy cơ xâm lược của Taliban, vốn có nguy cơ làm giảm uy tín của Biden trên toàn cầu. Do đó, Washington đang nỗ lực xây dựng một mối quan hệ hợp tác mới với Ghani.

Hiện Mỹ nghi ngại nguy cơ Taliban có thể chế ngự các lực lượng vũ trang Afghanistan trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra khoảng thời gian để điều chỉnh lại phản ứng của Mỹ. Lúc này, Mỹ không nhất thiết cần đến một lệnh ngừng bắn, vì điều đó sẽ chỉ có lợi cho Taliban trong hoàn cảnh hiện tại. Trên thực tế, Mỹ đã nối lại các cuộc không kích nhắm vào Taliban.

Nga, Trung Quốc và Iran đang ở trong tầm ngắm của Mỹ và chương trình nghị sự tương lai của Washington chủ yếu được định hướng nhằm ngăn chặn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi chế độ ở Trung Á, , cũng như lợi dụng phiến quân Hồi giáo như một công cụ địa chính trị và củng cố sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở Afghanistan như một khuôn mẫu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, la bàn của Mỹ cũng có một vị trí mặc định. Nền tảng ngoại giao 4 bên mới được thành lập của khu vực - gồm Mỹ, Uzbekistan, Afghanistan và Pakistan (còn được gọi là Bộ Tứ-2) sẽ kết hợp với nhóm Bộ Tứ do Mỹ đứng đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ tạo ra một khuôn khổ giúp điều chỉnh lại các chính sách trong trường hợp Taliban tiến hành cuộc lật đổ. Bản thân Lầu Năm Góc cũng chưa loại trừ hoàn toàn khả năng này.

Một cánh cửa cơ hội đang mở ra cho Washington trong việc tận dụng giới tinh hoa Pakistan - vốn có truyền thống theo định hướng của phương Tây - làm đòn bẩy, đồng thời ngăn Islamabad khỏi sự lôi kéo của Bắc Kinh.

Có thể nói, Bộ Tứ-2 sẽ phù hợp với Sáng kiến Cơ sở hạ tầng Toàn cầu mới mà lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí tại cuộc họp từ ngày 11-13/6 vừa qua ở Cornwall (Anh). Mỹ tự tin cho rằng Taliban sẽ coi Bộ Tứ-2 là một nền tảng hứa hẹn cho việc hợp pháp hóa chế độ của mình, đồng thời mang lại nguồn viện trợ từ phương Tây.

Rõ ràng, Washington đã buộc Nga và Trung Quốc phải phỏng đoán tình hình và gây ra một bất ngờ khó chịu. Moskva rất tức giận và đã quay lại quan điểm ban đầu, theo đó cáo buộc Washington có ý đồ lợi dụng các nhóm phiến quân Hồi giáo làm công cụ địa chính trị. Tuy nhiên, điều này sẽ không khiến Washington bối rối, vì họ chính là “thế lực ngầm” đứng sau chiến lược của Bộ Tứ-2.

Chiến lược của Mỹ bắt nguồn từ “thuyết Heartland” nổi tiếng của nhà địa chính trị người Anh Halford Mackinder. Vai trò của Anh - quốc gia có quan hệ tốt đẹp với cả Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa - gần như chắc chắn nằm ở đó. Như điều thường thấy trong lịch sử hiện đại, Anh đã vạch ra kịch bản để Washington hành động.

Thông tin trên tờ Daily Telegraph ngày 13/7 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, cho biết: "Bất kể chính quyền nào, miễn họ tuân thủ các quy tắc quốc tế nhất định, chính phủ Anh sẽ phối hợp với họ."

Wallace nhận ra rằng viễn cảnh mà Anh hợp tác với Taliban sẽ gây tranh cãi, vì vậy ông đưa ra thêm lời cảnh báo: “Điều mà (Taliban) rất mong muốn là sự công nhận của quốc tế. Họ cần tháo gỡ khó khăn về tài chính và viện trợ (để) xây dựng chính quyền, và bạn sẽ không thể làm điều đó khi khoác lên mình vỏ bọc của kẻ khủng bố. Bạn phải là một đối tác vì hòa bình, nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị cô lập. Sự cô lập đã khiến họ phải trở về với đúng vị trí trước đây của mình."

Rõ ràng, la bàn Anh-Mỹ có một vị trí mặc định để điều chỉnh cho phù hợp với âm mưu tiếm quyền của Taliban, vốn không thể bị loại trừ bởi bất kỳ tính toán nào trong bối cảnh hiện nay. Mỹ, Anh và các cường quốc phương Tây khác hy vọng sẽ thúc đẩy Taliban hợp tác với họ, thay vì chống lại họ nhằm phục vụ lợi ích riêng của Taliban.

Trên mọi phương diện, Nga đang rất tức giận và đã tăng cường các biện pháp ngoại giao cũng như các biện pháp đối phó về mặt quân sự. Liệu động thái này đã là quá muộn? Tuy nhiên, đó cũng là tất cả những gì Nga có thể làm ngay sau khi các cơ chế hợp tác của Mỹ được khởi động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục