Dịch cúm gia cầm tác động tiêu cực đến châu Âu trong tương lai

Từ trung tuần tháng 10/2016 đến nay, có 18 nước ở châu Âu đã ghi nhận các trường hợp gia cầm bị nhiễm virus H5N8 khiến hơn 1,5 triệu con gia cầm bị tiêu hủy.
Nhà chức trách Đức tiến hành tiêu hủy gia cầm nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus cúm H5N8 tại một trang trại gần Doetlingen, Lower Saxony, Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Tổng Giám đốc Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Monique Eloit dự báo sự lan rộng của dịch cúm gia cầm sẽ tác động tiêu cực đến châu Âu trong tương lai.

Theo thống kê của OIE, từ trung tuần tháng 10/2016 đến nay, có 18 nước ở châu Âu đã ghi nhận các trường hợp gia cầm bị nhiễm virus H5N8 khiến hơn 1,5 triệu con gia cầm bị tiêu hủy.

Ngày 10/1, Pháp đã mở rộng vùng tiêu hủy vịt khi phát hiện các trường hợp nhiễm cúm mới trên gia cầm ở khu vực Tây nam, khu vực sản xuất món gan ngỗng béo (foie gras) chính của nước này.

Theo Bộ Nông nghiệp Pháp, tính đến ngày 9/1, nước này ghi nhận 109 vụ bùng phát dịch cúm H5N8 ở các trang trại, so với khoảng 90 vụ khi bắt đầu việc tiêu hủy vào ngày 5/1.

Ngày 11/1, giới chức Đức cho biết 21.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy sau khi phát hiện 1 trường hợp bị nhiễm virus cúm H5N8 tại một trang trại ở nước này.

Theo chính quyền vùng Wesel thuộc bang North Rhine Westfalia, miền Tây nước Đức, dịch cúm gia cầm do nhiễm virus H5N8 đã lây lan đến trang trại tại Haldern/Mehrhoog.

Virus H5N8 đã được phát hiện ở hơn 500 con chim hoang dã tại Đức trong những tuần gần đây và gia cầm nuôi tại các trang trại tiếp tục bị lây nhiễm bất chấp các quy định vệ sinh khắt khe hơn và yêu cầu nuôi nhốt gia cầm đối với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tuy nhiên, các trường hợp bị nhiễm cúm gia cầm tại Đức vẫn thấp hơn tại Pháp, nước có số lượng gia cầm lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), với tổng số gia cầm bị tiêu hủy đã lên đến 800.000 con, sau khi các trường hợp nhiễm mới được phát hiện ở miền Tây Nam.

H5N8 là chủng virus rất nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao ở gia cầm, nhưng cho đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm sang người.

Chủng virus này đã lây lan ra nhiều nước châu Âu kể từ cuối năm ngoái khiến các trang trại phải tiêu hủy nhiều đàn gia cầm và phải nuôi nhốt gia cầm chưa bị lây nhiễm.

Dịch cúm gia cầm ở châu Âu do chim hoang dã gây ra có thể làm lây lan virus khi chúng di cư xuống phía Nam.

Một chủng virus cúm gia cầm khác cũng đang lây lan tại châu Á trong những tuần gần đây khiến hàng triệu con gia cầm tại Hàn Quốc và Nhật Bản bị tiêu hủy.

Ngoài ra, tại Trung Quốc còn ghi nhận hơn 100 ca nhiễm virus cúm H7N9 ở người, chủng virus đã khiến 20 người chết trong tháng 12 năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục