Dịch COVID-19: WB cảnh báo ngừng tài trợ vắcxin cho Liban

Ngân hàng Thế giới cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho Liban sau khi xuất hiện thông tin rằng một số nghị sĩ nước này sẽ được tiêm tại nghị viện ngày 23/2.
Dịch COVID-19: WB cảnh báo ngừng tài trợ vắcxin cho Liban ảnh 1Trước đó Ngân hàng Thế giới thông qua gói cứu trợ khẩn cấp cho Liban (Nguồn:TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho Liban sau khi xuất hiện thông tin rằng một số nghị sĩ nước này sẽ được tiêm tại nghị viện ngày 23/2.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh người dân và các bác sĩ ngày càng thất vọng vì tiến độ tiêm phòng diễn ra chậm chạp và có thể có những vi phạm quyền ưu tiên tiêm phòng.

Liban đã nhận lô vắcxin đầu tiên, khoảng 28.000 liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech, trong tháng này nhờ tiền tài trợ của Ngân hàng Thế giới.

Ngân hàng Thế giới dành 34 triệu USD để hỗ trợ Liban bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà. Ngân hàng Thế giới đã từng cảnh báo về khả năng xuất hiện thiên vị ở nước này và cho biết sẽ giám sát để đảm bảo rằng các mũi tiêm đầu tiên phải dành cho những đối tượng cần được ưu tiên.

Sau khi truyền thông địa phương đưa tin một số nghị sĩ sẽ được tiêm vắcxin ngày 23/2, Giám đốc khu vực của Ngân hàng Thế giới, ông Saroj Kumar Jha khẳng định việc này sẽ vi phạm kế hoạch quốc gia đã nhất trí về việc tiêm chủng công bằng.

[Chuyên gia Hàn Quốc nhận định vắcxin của hãng Pfizer hiệu quả 95%]

Trên mạng xã hội Twitter, ông Jha viết: "Sau thông tin về vi phạm nói trên, Ngân hàng Thế giới có thể ngừng tài trợ vắcxin và các hỗ trợ ứng phó chống COVID-19 ở Liban." Ông kêu gọi tất cả mọi người "bất kể ở vị trí nào, hãy đăng ký và chờ đến lượt" tiêm phòng.

Bộ Y tế Liban trước đó đã tìm cách xua tan những lo ngại rằng các chính khách sẽ "chen ngang." Tuy nhiên, hiện bộ trên chưa đưa ra bình luận về thông tin trên truyền thông.

Các bệnh viện ở Liban, vốn bị ảnh hưởng nặng nề của các cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này và đặc biệt là vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hồi năm ngoái, đang gồng mình ứng phó với dịch COVID-19.

Liban hiện là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất khu vực kể từ tháng 1. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này đã lên tới 4.300 ca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục