Dịch COVID-19: Thái Lan công bố biện pháp phòng chống mới

Theo người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan, những quan chức nhà nước phải hoãn hoặc hủy các chuyến công tác nước ngoài tại những nước và khu vực có dịch bệnh lây lan.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã công bố các biện pháp mới phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các bộ và cơ quan nhà nước.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat, những quan chức nhà nước phải hoãn hoặc hủy các chuyến công tác nước ngoài tại những nước và khu vực có dịch bệnh lây lan.

Nếu không thể hủy các chuyến công tác, các quan chức này cần phải được sự cho phép của lãnh đạo của họ hoặc các cơ quan có liên quan tới chuyến công tác này.

Những viên chức nhà nước trở về Thái Lan từ những nước hay khu vực có dịch bệnh hoặc quá cảnh tại những nước hay khu vực này và bị nghi nhiễm bệnh, có thể làm việc tại nhà trong 14 ngày để theo dõi tình hình sức khỏe.

Chính phủ Thái Lan sẽ thành lập một trung tâm thông tin nhằm tập hợp các thông tin từ mọi cơ quan nhà nước để tiếp nhận phản hồi cũng như cung cấp những thông tin đúng sự thực về dịch bệnh COVID-19 cho người dân.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan phải ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19 như dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang ở cả trên mạng và trong các cửa hàng.

Còn các cơ quan vận tải và chính quyền địa phương phải theo dõi chặt chẽ hành khách tại các khu vực quan trọng như sân bay, nhà ga tàu hỏa và bến xe buýt.

Bộ Lao động và Bộ Các vấn đề đối ngoại có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ công dân Thái Lan sinh sống tại những nước và khu vực có dịch bệnh.

[Thái Lan có thêm ca nhiễm SARS-Cov-2, khẳng định đủ thuốc điều trị]

Trong khi đó, Bộ Nội vụ và Quốc phòng sẽ chuẩn bị địa điểm để tiến hành cách ly, giám sát tình hình sức khỏe của những công dân Thái Lan trở về nước hoặc những đối tượng nghi nhiễm bệnh.

Cuối cùng, các cơ quan nhà nước sẽ hợp tác của các công ty tư nhân trong việc tránh hoặc hoãn các hoạt động tụ tập đông người nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm. 

Chính phủ Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 sau khi tuyên bố đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào ngày 24/2.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha dự kiến triệu tập một cuộc họp khẩn trong ngày 4/3 để thảo luận về khả năng khoảng 10.000 người lao động Thái Lan làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước trong bối cảnh dịch  COVID-19 lây lan.

Dịch COVID-19: Thái Lan công bố biện pháp phòng chống mới ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về cách thức xử lý những người lao động này trở về từ Hàn Quốc trong bối cảnh 138 đồng hương của họ được không vận từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng trước phải trải qua giai đoạn cách ly bắt buộc 14 ngày.

Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, hiện vẫn còn phải theo dõi xem có bao nhiêu người Thái ở Hàn Quốc được phép trở về nước.

Theo ông, Hàn Quốc sẽ cách ly những lao động Thái Lan này trong vòng 14 ngày trước khi cho phép họ về nước và khi về đến Thái Lan, họ có thể sẽ phải tự cách ly thêm 14 ngày nữa.

Vấn đề hiện nay là làm thế nào Thái Lan có thể kiểm soát được một lượng lớn như vậy nếu tất cả trong số họ bị cách ly. Thủ tướng Prayut thừa nhận người dân không mấy tin tưởng và sợ hãi, nhưng trấn an rằng các quan chức và nhân viên y tế đã có sự chuẩn bị tốt.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết Văn phòng Nhập cư Hàn Quốc thông báo rằng hơn 5.000 người Thái Lan tại Hàn Quốc đã bày tỏ với văn phòng trong giai đoạn từ tháng 12/2019 đến 1/3/2020 mong muốn trở về nước.

Theo số liệu thống kê công bố trên báo chí, ít nhất 140.000 người Thái Lan đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc, trong khi số lượng lao động hợp pháp chỉ vào khoảng 20.000 người.

Trong khi đó, người dân ở vùng đô thị Bangkok đang đổ xô vơ vét những mặt hàng thiết yếu có thể dự trữ lâu ngày như mì gói, gạo, giấy ăn, cá đóng hộp và nước đóng chai tại các siêu thị do lo ngại dịch COVID-19 có thể lan rộng.

Các tập đoàn bán lẻ lớn như Tops Supermarket, Tesco Lotus, Mall Group và Big C Supercenter đã thừa nhận rằng những mặt hàng nói trên đã được vơ vét nhanh chóng kể từ cuối tuần qua.

Các tập đoàn này cũng nhất trí rằng lo ngại về bệnh COVID-19 là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng mua sắm lan tràn này.

Theo ông Chairat Petchdakul, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh siêu thị của Tập đoàn Mall Group, phần lớn hàng hóa mà người mua hàng chọn là những mặt hàng có thể dự trữ được lâu như mì ăn liền, nước uống và cá đóng hộp.

Ông Chairat cho rằng nhu cầu đó là do những lo ngại về dịch COVID-19, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ hành vi của khách hàng trong những cuối tuần tiếp theo.

Ông Chairat cũng khẳng định nguồn cung những mặt hàng này vẫn dồi dào, mặc dù có thể có chút chậm chễ trong khâu vận chuyển từ nhà máy.

Tập đoàn Mall Group cho biết đã tăng gấp đôi lượng hàng dự trữ trong kho từ 15 ngày lên 30 ngày nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và đảm bảo khách hàng có đủ nguồn cung những sản phẩm mà họ tìm mua.

Trong khi đó, ông Pun Paniengvait, Chánh Văn phòng Công ty thực phẩm Thai President Foods chuyên sản xuất loại mì ăn liền Mama kêu gọi người dân không nên lo lắng về nguy cơ thiếu hàng vì công ty có thừa năng lực sản xuất để phục vụ nhu cầu của toàn bộ dân số Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục