Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát buộc các chính phủ trên khắp thế giới áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Biện pháp này khiến nhu cầu giảm sút, đã tác động mạnh tới ngành sản xuất ôtô của thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Ngày 28/5, Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota của Nhật Bản cho biết trong tháng 4 vừa qua, sản lượng của hãng trên toàn cầu đã giảm tới 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 379.093 chiếc xe.
Theo Toyota, sản lượng của tập đoàn tại thị trường Bắc Mỹ và Mỹ Latinh đứng ở mức 0 do đại dịch COVID-19 khiến tất cả các nhà máy tại những khu vực này phải đóng cửa.
Ngày 11/5 vừa qua, Toyota đã nối lại sản xuất tại Mỹ và Canada sau khi các nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh tế.
[Pháp sẽ sớm công bố kế hoạch giải cứu ngành công nghiệp ôtô]
Tại châu Âu, Toyota chỉ sản xuất được 577 chiếc xe tại một nhà máy ở Pháp, giảm tới 99,2% sản lượng, trong khi sản lượng ôtô ở Nhật Bản cũng giảm 25,9% xuống còn 218.054 chiếc xe.
Tuy nhiên, sản lượng ôtô của Toyota tại Trung Quốc lại tăng 27,8% lên 143.135 chiếc xe sau khi nối lại sản xuất từ cuối tháng 3.
Cũng theo Toyota, doanh số bán xe của tập đoàn này trên toàn cầu trong tháng 4 cũng giảm 46,3% xuống còn 423.302 chiếc xe, chủ yếu do chính phủ các nước yêu cầu người dân ở nhà.
Doanh số bán xe của Toyota giảm nhiều nhất là tại châu Âu với 83,4%, trong khi con số này tại thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản giảm lần lượt là 56,4% và 20,1%.
Cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết Tập đoàn sản xuất xe ôtô Nissan của Nhật Bản đã quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất ở Barcelona. Điều này có nghĩa khoảng 3.000 lao động làm việc tại nhà máy này sẽ bị mất việc làm.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đang ngày một tăng, cùng với nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu rộng do tác động của đại dịch COVID-19.
Chính phủ Tây Ban Nha đã hối thúc Nissan xem xét lựa chọn khác đối với "số phận" của nhà máy sản xuất của tập đoàn này tại Barcelona. Tuy nhiên, Nissan chưa đưa ra bình luận nào về đề nghị trên.
Trong tuyên bố cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha ước tính việc đóng cửa nhà máy này sẽ khiến Nissan thiệt hại khoảng 1 tỷ euro (1,10 tỷ USD), đồng thời cho rằng việc đầu tư vào nhà máy này sẽ khiến Nissan ít phải chịu thiệt hại hơn.
Đây là nhà máy chính của Nissan tại thị trường châu Âu, sau nhà máy ở Anh. Theo kế hoạch, Nissan sẽ công bố kế hoạch phục hồi của hãng trên toàn cầu trong ngày 28/5./.