Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h ngày 1/9 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 25.620.939 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 854.222 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 17.921.063 người.
Số ca mắc tại một số bang của Mỹ có dấu hiệu giảm
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã vượt quá con số 6 triệu chỉ 3 tuần sau khi cán mốc 5 triệu ca, trong khi số ca tử vong tại nước này đã vượt quá 183.000 người.
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn số liệu của trường Đại học Johns Hopkins cho biết nước Mỹ đã ghi nhận thêm 35.000 ca nhiễm mới trong ngày 30/8, mức tăng thấp nhất trong một ngày kể từ hôm 23/8.
Đại dịch COVID-19 đã có dấu hiệu giảm bớt ở những bang bị ảnh hưởng nặng nề như California và Florida. Tại bang có số ca mắc cao nhất nước Mỹ là California đã ghi nhận số ca nhiễm mới hôm 30/8 dưới 4.000 ca, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Tương tự, số ca nhiễm mới hôm 30/8 ở bang Florida đã dưới 2.600 ca, mức thấp nhất trong 6 ngày trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục 15.000 ca nhiễm mới ghi nhận tại đây hôm 12/7 vừa qua.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, một số bang vẫn có số ca nhiễm mới tính theo ngày khá cao như Texas (2.800 ca), Illinois (2.000 ca), các bang Alabama, Georgia, Louisiana, Michigan, Missouri, Bắc Carolina và Nam Carolina đều ghi nhận hơn 1.000 ca mới mỗi ngày.
Trong khi đó, ở phía Bờ Đông nước Mỹ, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy tuyên bố ngày 31/8 sẽ cho hàng quán được phép để thực khách ăn uống trong nhà kể từ ngày 4/9 với điều kiện chỉ được phép đón khách ở mức 25% sức chứa của nhà hàng.
Còn tại thành phố New York, thị trưởng Bill de Blasio ngày 31/8 cho biết vẫn chưa thể ra quyết định tương tự.
Các trường đại học trên khắp nước Mỹ cũng đang nỗ lực để có thể mở lại các lớp học trực tiếp mà vẫn đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Hiện nhiều trường mở lại bằng cách kết hợp vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến, nhưng cũng có những trường buộc phải học trực tuyến hoàn toàn.
Bang Bayern, Đức yêu cầu học sinh và giáo viên đeo khẩu trang trong lớp
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, toàn bộ học sinh từ lớp 5 trở lên và giáo viên giảng dạy tại bang Bayern của Đức sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp học trong 9 ngày. Đây là thông báo được Thủ hiến bang Bayern Markus Söder đưa ra ngày 31/8 sau khi tiến hành tham vấn với đại diện phụ huynh, giáo viên và học sinh ở Munich.
Tại bang Bayern, các lớp học sẽ bắt đầu lại vào ngày 8/9 tới sau kỳ nghỉ hè. Thông báo nêu rõ chỉ học sinh cấp tiểu học mới không phải thực hiện quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
Theo Thủ hiến Markus Söder, việc đeo khẩu trang bắt buộc vào đầu năm học là một phần trong chiến lược đảm bảo các điều kiện vệ sinh ở bang miền Nam này nhằm duy trì hoạt động thường xuyên tại các trường học ngay cả trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông nhấn mạnh mục đích của quy định này là để duy trì công tác giảng dạy và các buổi học thường xuyên theo cách tốt nhất. Ngoài ra, để giảm thiểu và hạn chế nguy cơ lây nhiễm mới, các học sinh cũng sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang trong các tòa nhà và bất cứ nơi nào không thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 mét.
Trong trường hợp một vùng nào đó thuộc bang Bayern vẫn ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng cao sau 9 ngày, chính quyền bang cũng có thể sẽ tiếp tục bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học.
Hiện chính quyền bang Bayern đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và ở những nơi công cộng không thể duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 mét như trong siêu thị, cửa hàng...
Đối với những trường hợp bị bắt quả tang không thực hiện quy định đeo khẩu trang sẽ phải chịu mức phạt tiền 250 euro cho lần đầu vi phạm và có thể tăng gấp đôi nếu bị bắt lần thứ hai.
WHO cảnh báo các nước mở cửa thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến thảm họa
Ngày 31/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ là "cách làm dẫn tới thảm họa."
Ông Tedros thừa nhận rằng nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch COVID-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO khẳng định: "Chúng tôi muốn thấy trẻ em được trở lại trường học và người dân trở lại với nơi làm việc, song chúng tôi muốn thực hiện điều này một cách an toàn. Không một quốc gia nào nên giả bộ như đại dịch đã kết thúc. Thực tế là virus (SARS-CoV-2) lây lan vô cùng dễ dàng. Mở cửa mà thiếu kiểm soát là một cách làm dẫn tới thảm họa."
Ngoài ra, WHO cũng cho rằng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối với các loại vắcxin phòng bệnh COVID-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, với một sự nghiêm túc và cân nhắc thận trọng.
Cũng tại cuộc họp báo trên, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng mặc dù mỗi quốc gia đều có quyền cấp phép cho lưu hành các loại thuốc mà không cần trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ, "song đó không phải là điều để bạn xem nhẹ."
EU khởi động chương trình hỗ trợ các quốc gia IGAD
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 31/8, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu chương trình hỗ trợ chống COVID-19 trị giá 60 triệu euro (tương đương 71,57 triệu USD) cho các quốc gia thành viên của Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD).
Phát biểu tại lễ khởi động chương trình tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Trưởng phái đoàn EU tại Ethiopia, ông Johan Borgstam cho biết gói hỗ trợ sẽ giúp các nước IGAD giải quyết tác động của dịch COVID-19 đối với y tế và xã hội.
Dự án sẽ cung cấp khoảng 3,5 triệu khẩu trang và găng tay phẫu thuật, 70.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, 8 phòng thí nghiệm di động và 24 xe cứu thương.
Ông Borgstam khẳng định đại dịch COVID-19 là mối đe dọa tới y tế toàn cầu nên chỉ có thể được giải quyết thông qua các quan hệ đối tác quốc tế. Các quốc gia đang ở thời điểm mà sự lây lan của đại dịch đang gia tăng, tác động tiêu cực đến những cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người di cư, tị nạn và những người phải đi ly tán ở trong nước.
IGAD được thành lập năm 1986, gồm các quốc gia Đông Phi như Ethiopia, Eritrea, Djibouti, Kenya, Somalia, Sudan, Nam Sudan và Uganda, với mục đích chung là thúc đẩy an ninh và thương mại.
Thư ký điều hành của IGAD, ông Workneh Gebeyehu đã đánh giá cao chương trình hỗ trợ chống COVID-19 của EU, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia trong khu vực Đông Phi cần nỗ lực hơn nữa để có thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh.
EC cam kết đóng góp 476 triệu USD cho sáng kiến COVAX
Ngày 31/8, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông báo khoản đóng góp 400 triệu euros (tương đương 476 triệu USD) cho một sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu để mua các loại vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng trên thế giới.
Sáng kiến này có tên là COVAX nhằm mua 2 tỷ liều vắcxin của một số hãng sản xuất tiềm năng trên thế giới vào cuối năm 2021. Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh việc đóng góp cho sáng kiến COVAX nhằm mục đích hợp tác cùng cộng đồng quốc tế cung cấp vắcxin cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Cũng theo EC, cùng với các nước Liên minh châu Âu (EU), ủy ban này đã sẵn sàng sử dụng mọi kinh nghiệm và nguồn lực của mình trong khuôn khổ sáng kiến COVAX để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và xây dựng chuỗi cung ứng vắcxin của toàn cầu để đảm bảo sản phẩm này đến với mọi người dân trên thế giới.
Sáng kiến trên do liên minh vắcxin quốc tế GAVI điều phối nhằm kêu gọi tài trợ từ các nhà từ thiện lớn, các quốc gia giàu có và ngành công nghiệp dược phẩm. Cho đến nay, COVAX đã nhận được được hơn 600 triệu USD tài trợ và đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD vào cuối năm nay./.