Dịch COVID-19: Phối hợp cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư vẫn ổn định và giá cả các mặt hàng không biến động so với trước đó.
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La cung ứng đẩy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La cung ứng đẩy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực thiết yếu cho nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư vẫn ổn định và giá cả các mặt hàng không biến động so với trước đó. Các hệ thống phân phối, bán lẻ ở Sơn La đã chủ động làm việc với các đối tác để bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, lương thực cho người tiêu dùng.

Tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được thực hiện tốt, mọi khách hàng, quản lý và nhân viên trước khi vào trong siêu thị đều được kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn.

Trung tâm đã đóng cửa những quầy bày bán các mặt hàng không cần thiết và chỉ mở bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đảm bảo cung ứng đẩy đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Anh Nguyễn Đăng Trung, Trưởng ngành hàng siêu thị, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La cho biết hiện tại trong siêu thị Vinmart Sơn La đang kinh doanh khoảng 9.000 mã hàng; trong đó, đa phần là thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân.

Trước tình hình dịch COVID-19 hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo công ty, Trung tâm đã có biện pháp tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa tới khách hàng.

Tỉnh Sơn La đã xây dựng phương án chi tiết cung ứng hàng hóa bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ứng phó với diễn biến của dịch COVID-19 phục vụ nhu cầu của người dân.

Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sơn La có 1 trung tâm thương mại hạng 3, 6 siêu thị, hơn 110 chợ, cùng các chuỗi cửa hàng tiện tích, Vinmart, Vinmart+ và khoảng trên 10.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa từ các đô thị đến trung tâm các xã, cụm xã, bản vùng sâu, vùng xa.

Nhìn chung, hệ thống phân phối hàng hóa và lương thực, thực phẩm ở Sơn La cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

[Đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân phòng chống COVID-19]

Bà Phạm Thị Liên, bán hàng ở chợ Trung tâm thành phố Sơn La cho hay, giá cả các mặt hàng vẫn như trước không thay đổi, nhưng lượng mua và người mua ít.

Do dịch COVID-19 nên đa số người tiêu dùng khi đi mua lương thực, thực phẩm đều mua một lần dùng cho nhiều ngày nên tại các cửa hàng, lượng người mua giảm nhiều so với trước đây.

Chị Mai Mùi ở phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La bộc bạch: thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chị hạn chế ra đường và một lần đi chợ mua thực phẩm ăn cho cả tuần.

Trước tình hình dịch COVID-19, ngành Công Thương, các huyện, thành phố, doanh nghiệp và hợp tác xã trong tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La cũng khuyến cáo việc đến các siêu thị, chợ để mua hàng hóa nên lựa chọn thời điểm ít người; đồng thời cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì, bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu mua bán của người dân trong thời điểm thực hiện giãn cách toàn xã hội. Do đó, việc tích trữ thực phẩm, hàng hóa đối với người dân là điều không cần thiết.

Tại Quảng Ngãi, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng và tránh tâm lý hoang mang, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp chặt chẽ với các hệ thống siêu thị, cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh đã chung tay vào cuộc để nguồn hàng luôn ổn định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “nơi thừa, chỗ thiếu.”

Siêu thị Co.op Mart là một trong những hệ thống cung ứng ngành hàng lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi nên sau ngày cách ly toàn xã hội, siêu thị vẫn mở cửa bình thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, hoa quả, hải sản, thịt, trứng, sữa… được nhập vào với số lượng dồi dào nên người dân thoải mái lựa chọn.

Theo thống kê, sản lượng rau, củ quả bán ra mỗi ngày khoảng 1,5 tấn; thịt gia súc bình quân 500-600kg; trứng các loại từ 1.500-2.000 quả; mỳ tôm các loại 120 thùng.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm liên quan đến dịch như thực phẩm, gia vị, gel rửa tay, mặt nạ…siêu thị có chương trình giảm giá sâu từ 10-30% tùy chủng loại nên đã kích thích sức mua của người tiêu dùng.

Dịch COVID-19: Phối hợp cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân ảnh 1Người dân lựa chọn sản phẩm tiêu dùng tại siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Chị Vi Trà Mai Linh thường trú tại thành phố Quảng Ngãi cho hay, gia đình chị hay mua sắm tại siêu thị Co.op Mart bởi nguồn hàng phong phú, luôn đảm bảo độ tươi và nhất là đảm bảo vệ sinh. Chính vì vậy, gia đình hết đồ dùng mới ra đây mua sắm chứ không phải tích trữ nhiều.

Theo ông Lê Hồng Ca, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi, thông tin siêu thị vẫn phục vụ mở cửa hàng ngày.

Bên cạnh việc chủ động tăng cường nguồn hàng thực phẩm thiết yếu kịp thời tại chỗ, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong điều kiện đi lại khó khăn, siêu thị cũng đã triển khai nhiều kênh thông tin hỗ trợ cho khách hàng trong việc mua sắm như đặt hàng qua điện thoại, tương tác qua Zalo, Facebook và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm tận nhà.

Còn tại chợ Quảng Ngãi, dù lượng khách giảm hẳn nhưng với quyết tâm không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm dùng trong mùa dịch, các tiểu thương vẫn duy trì việc buôn bán. Đặc biệt, mặt hàng tươi sống vẫn là lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ bởi tâm lý thích tươi.

Ông Phan Xuân Hoanh, Trưởng ban quản lý chợ Quảng Ngãi chia sẻ, Ban quản lý chợ khuyến nghị những hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu (quần áo, giày dép…) tại chợ Trung tâm hoạt động không hiệu quả tạm thời ngừng hoạt động trong thời điểm xảy ra dịch và đã có khoảng 70% số hộ chấp hành.

Riêng với chợ tươi sống kinh doanh thực phẩm hằng ngày, số lượng tiểu thương nghỉ bán chỉ chiếm 30%, còn khoảng 250-300 hộ, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn triển khai biện pháp tuyên truyền phòng, chống dịch trên loa truyền thanh nội bộ (15 phút/lần); bố trí lực lượng bảo vệ túc trực tại các cổng ra vào để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang; đồng thời lập 5 chốt kiểm tra và phối hợp với công an phường, nhân viên y tế… tiến hành đo thân nhiệt, cung cấp dung dịch rửa tay sát khuẩn cho người dân.

Trường hợp nào không đeo khẩu trang, Ban quản lý tuyệt đối không cho vào chợ và cũng chỉ thu tiền sử dụng dịch vụ/ngày đối với các tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại đây.

Ông Võ Đình Trà, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết Sở Công Thương Quảng Ngãi khuyến cáo bà con nên yên tâm không mua hàng tích trữ, quá giới hạn tiêu dùng.

Ngoài ra, Sở Công cũng đã gửi công văn tới các đơn vị cung ứng ngành hàng đề nghị phải hoạt động buôn bán bình thường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá trái quy định. Đối với các trường hợp vi phạm, Sở Công Thương Quảng Ngãi sẽ lập biên bản xử lý đúng quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục