Dịch COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu với cấp độ nguy hiểm cao, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ở trong nước, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc,” quân đội ta đã góp phần quan trọng chung tay cùng hệ thống chính trị bước đầu đầy lùi dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi Việt Nam là điểm sáng của thế giới về phòng, chống đại dịch.
Tuy nhiên, ở châu Phi xa xôi, nhiều cán bộ, chiến sỹ gìn giữ hòa bình Việt Nam vẫn đang ngày đêm nỗ lực phòng, chống dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Để làm rõ hơn về tình hình của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các phái bộ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về hoạt động tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi của các chiến sỹ mũ nồi xanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp ở hai quốc gia này.
- Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đã triển khai tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan được hơn nửa năm, xin Thượng tướng cho biết một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện nhiệm vụ của Bệnh viện và đánh giá của Liên hợp quốc cũng như các đối tác quốc tế về hoạt động của đơn vị?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cho đến nay chưa đủ thời gian để Liên hợp quốc có đánh giá chính thức về kết quả của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan.
Chúng ta mới có số liệu bước đầu là Bệnh viện đã thu dung, điều trị gần 1.000 ca bệnh, trong đó có một số ca nặng, 5 ca mổ trung phẫu và đại phẫu, một ca nghi mắc COVID-19.
Toàn bộ các bệnh nhân đã được chữa trị thành công theo đúng yêu cầu của Liên hợp quốc, nhất là với bệnh nhân bị nghi ngờ mắc COVID-19.
Liên hợp quốc đánh giá rất cao những kết quả và biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cho chính bệnh viện này cũng như cho lực lượng của Việt Nam và Liên hợp quốc tại Bentiu, Nam Sudan.
Tất cả chỉ thị, kinh nghiệm của Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đều được Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thực hiện nghiêm như đang ở Việt Nam.
Bệnh viện với thành phần chủ yếu là nhân sự của Học viện Quân y nên có sự trao đổi, thông tin thường xuyên từng ngày, từng giờ giữa Học viện và lực lượng của Bệnh viện tại phái bộ.
[Tăng cường năng lực phòng dịch cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam]
Cho tới nay, ta giữ được an toàn trước dịch bệnh, không có trường hợp nào nghi nhiễm và bảo toàn được cơ bản các vật tư, trang thiết bị để chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống có khó khăn cao hơn.
Tại địa bàn châu Phi, nhất là Nam Sudan và Trung Phi hiện nay điều kiện kinh tế-xã hội còn kém phát triển, dịch bệnh rất dễ bùng phát. Chúng ta lại đứng nơi đầu sóng, ngọn gió để chống dịch bệnh, nên sự an toàn của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam là mối quan tâm lớn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Kết quả bước đầu cho tới nay là đã tạo được sự an tâm. Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp nên chúng ta cần cố gắng hơn nữa để không bị bất ngờ khi dịch bệnh có diễn biến mới.
- Thưa Thượng tướng, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có sự hỗ trợ như thế nào đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đang công tác tại các phái bộ?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trong Quân đội xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm dịch bệnh là đảm bảo an toàn cho lực lượng ta.
Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. Vì vậy, mọi nỗ lực trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, thông tin liên lạc... đều tập trung vào việc đảm bảo không để dịch bệnh lây nhiễm vào lực lượng của ta.
Bên cạnh đó, chúng tôi rất coi trọng tinh thần của bộ đội. Điều kiện xa xôi, chậm phát triển, dịch bệnh như ở Nam Sudan đã khiến đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước gồm ba phó tổng thống, hơn 10 bộ trưởng bị mắc COVID-19.
Do đó, nếu không làm tốt công tác tư tưởng, bộ đội ta sẽ dễ hoang mang. Tuy nhiên, cho tới nay, tinh thần anh em rất vững vàng.
Ngoài ra, từng cán bộ, chiến sỹ gìn giữ hòa bình Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ Liên hợp quốc được tăng cường hướng dẫn kiến thức về phòng, chống dịch bệnh.
Công tác này được triển khai không chỉ về mặt kỹ thuật với Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, mà còn với từng sỹ quan không biết về nghề y.
Về mặt trang bị vật tư, khi đưa lực lượng đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng đã tính đến việc phòng, chống dịch bệnh. Ví dụ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 có đem máy thở, thuốc điều trị lâm sàng cho bệnh nhân mắc các dịch bệnh khác nhau.
Thời gian tới chúng ta có đủ thuốc, trước hết đảm bảo cho lực lượng ta và chữa cho các bệnh nhân có trách nhiệm chữa trị.
Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã cấp 2 tỷ đồng để mua trang thiết bị, vật tư y tế và sẽ sớm chuyển tới các phái bộ khi điều kiện cho phép. Nếu tình hình phức tạp, chúng ta sẽ có nhóm nhỏ đi trước, đi vòng nếu vận chuyển hàng không khó khăn để kịp thời trang bị cho lực lượng của ta.
- Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng gì đến kế hoạch dự kiến của Việt Nam trong việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây không, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đại dịch COVID-19 có tác động sâu sắc đến hoạt động gìn giữ hòa bình nói chung của Liên hợp quốc, trong đó có việc xác định lại nhiệm vụ hoạt động gìn giữ hòa bình không chỉ có phòng, chống chiến tranh, tái thiết mà còn cần sẵn sàng để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có dịch bệnh.
Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung. Trong bối cảnh này, chúng ta một mặt tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đang làm, nhưng cần nắm bắt tình hình để bám sát các động thái mới của Liên hợp quốc, chuẩn bị, tính toán các yếu tố cho thời gian tới cần đưa đi lực lượng nào, làm nhiệm vụ gì để phù hợp với yêu cầu mới của tình hình; đồng thời đúc rút kinh nghiệm để khi có biến động vẫn tổ chức được nhóm độc lập tự bảo vệ mình.
Hiện nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam nói chung và đại diện Bộ Quốc phòng ở Liên hợp quốc đang tích cực nắm bắt thông tin, báo cáo thường xuyên để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có những tính toán điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn Thượng tướng./.