Ngành bán lẻ của Australia đang đối mặt với những thách thức lớn gây ra bởi đại dịch COVID-19.
Mới đây nhất, tập đoàn Mosaic Brands, chủ sở hữu các thương hiệu thời trang đình đám nội địa như Rivers, Millers, Katies, Noni B và Crossroads, đã công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2019-2020 với một khoảng lỗ lên tới 45,8 triệu AUD (32,5 triệu USD).
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng hé lộ dự định đóng cửa khoảng 500 cửa hàng kinh doanh bán lẻ trên phạm vi cả nước trong vòng hai năm tới, dẫn tới việc hàng nghìn việc làm bị đe dọa.
[COVID-19 tiếp tục dội thêm nhiều 'gáo nước lạnh' vào kinh tế Australia]
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Mosaic Brands, Scott Evans, cho biết mặc dù trong năm tài chính vừa qua, tập đoàn đã đạt doanh số bán hàng trực tuyến 93,7 triệu đôla Australia (66,5 triệu USD), cao nhất từ trước tới nay, nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí, đặc biệt là các khoản tài chính dành cho việc thuê cửa hàng.
Ông Evans nói thêm tập đoàn đã giảm dần các hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh dài hạn trong ba năm qua.
Ngoài ra, 87% trong số 1.333 cửa hàng mà Mosaic Brands đang kinh doanh cũng sẽ hết hạn trong vòng hai năm tới và tập đoàn sẽ thực hiện việc đánh giá lại xem có tiếp tục duy trì chúng hay không.
Ông Evans chia sẻ các trận cháy rừng thảm khốc của mùa Hè 2019-2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến 20% danh mục cửa hàng của Mosaic Brands, đặc biệt là trong dịp Giáng sinh 2019.
Tiếp đó, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cho toàn bộ 1.333 cửa hàng hiện tại của Mosaic Brands buộc phải đóng cửa trong hơn 9 tuần, bao gồm cả thời gian mua bán cao điểm trong lễ kỷ niệm Ngày của Mẹ.
Ngoài ra, 6.800 nhân viên đã phải nghỉ việc, nhưng chi phí thuê mặt bằng kinh doanh vẫn phải trả và một số các chi phí khác vẫn phát sinh như thường lệ.
Những tác động đó khiến Mosaic Brands phải tính toán lại các phương án và tập trung vào việc điều chỉnh quy mô để thích ứng với điều kiện mới.
Trước Mosaic Brands, ngành bán lẻ của Australia cũng đã chứng kiến sự sụp đổ của nhiều đại gia thương hiệu đình đám trong và ngoài nước.
Đầu tháng 1/2020, chuỗi cửa hàng bách hóa Harris Scarfe công bố kế hoạch đóng cửa 21 cửa hàng trên cả nước.
Trong khi đó, McWilliam's Wines, công ty rượu vang lớn thứ sáu của Australia, có truyền thống kinh doanh kéo dài hơn 140 năm, thông báo bước vào chế độ quản lý tự nguyện, nhằm tránh phá sản.
Đến cuối quý 1/2020, đế chế trò chơi điện tử hàng đầu thế giới EB Games xác nhận sẽ đóng cửa ít nhất 19 cửa hàng tại Australia trong vòng vài tuần sau đó. Và chuỗi thời trang Bardot cũng có kế hoạch ngừng kinh doanh 58 cửa hàng tại toàn bộ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị bán lẻ.
Cùng thời điểm, nhà kinh doanh bán lẻ giáo dục nổi tiếng của Australia là Curious Planet, thuộc sở hữu của công ty mẹ Co-op Bookshop, thông báo sẽ đóng cửa 63 cửa hàng trên toàn quốc sau khi không tìm được nhà đầu tư mua lại thương hiệu.
Trong khi đó, hãng thời trang Jeanswest tự nguyện tham gia vào chế độ quản trị tự nguyện và gã khổng lồ công nghệ Bose tiết lộ họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Australia và 119 cửa hàng trên toàn cầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xu hướng mua sắm trực tuyến gia tăng.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Australia cho biết trong quý 1/2020, doanh thu của lĩnh vực bán lẻ quần áo, giày dép và phụ kiện cá nhân đã giảm 22,6%, trong khi doanh thu từ các cửa hàng bách hóa giảm 8,9%.
Cơ quan này dự báo lĩnh vực bán lẻ của Australia sẽ có sự thay đổi khá nhanh trong tương lai, với mô hình bán hàng trực tuyến gia tăng thay thế cho các cửa hàng và hệ thống bán lẻ vật lý.
Dự kiến việc đóng cửa hàng loạt các chuỗi doanh nghiệp và thương hiệu bán lẻ sẽ khiến hàng chục nghìn người lao động Australia lâm vào cảnh thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế của nước này trong những năm tới./.