Dịch COVID-19 khiến kinh tế Pháp rơi vào tình trạng “bị gây mê”

Theo Cơ quan thống kê Pháp, kinh tế Pháp hiện chỉ đảm bảo được những chức năng thiết yếu nhất, “giống như người đang bị gây mê” khi số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Paris, Pháp ngày 6/4 vừa qua trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Paris, Pháp ngày 6/4 vừa qua trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 đang khiến hoạt động kinh tế của Pháp chỉ còn duy trì ở mức tối thiểu.

Đây là nhận định của Cơ quan thống kê Pháp (INSEE) ngày 23/4 trong bối cảnh Paris đang đánh giá nguy cơ của việc mở lại hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí ngay cả khi số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao.

Theo INSEE, kinh tế Pháp hiện chỉ đảm bảo được những chức năng thiết yếu nhất, “giống như người đang bị gây mê.” Ước tính hoạt động của khu vực tư, vốn chiếm khoảng 3/4 GDP, giảm mạnh 41%.

Một số ngành như xây dựng, nhà hàng và du lịch đã ở trong tình trạng tê liệt kể từ khi các doanh nghiệp phải đóng cửa và chính phủ yêu cầu người dân ở nhà hồi giữa tháng Ba vừa qua.

Kết quả thống kê riêng rẽ của IHS Markit cũng cho thấy hoạt động của khu vực tư tại Pháp trong tháng Tư này đã ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử, vượt qua kỷ lục tháng trước đó, khi chỉ số này còn 11,2 so với mức 28,9 của một tháng trước đó. Bất kỳ chỉ số nào ở mức dưới 50 đều thể hiện sự thu hẹp trong hoạt động doanh nghiệp.

Giống như ở các nước châu Âu khác, các doanh nghiệp cỡ lớn của Pháp cũng giảm mạnh doanh thu và cảnh báo hàng nghìn việc làm có thể nguy cơ bị mất, thậm chí ngay cả khi các hạn chế phong tỏa sớm được dỡ bỏ.

Hơn 10 triệu việc làm, một nửa trong đó ở khu vực tư, đã bị mất trong giai đoạn phong tỏa. Thậm chí, Chính phủ Pháp nhận định con số này nhiều khả năng tăng cao trong những tuần tới.

["Bóng ma" suy thoái đang rình rập nền kinh tế Pháp]

Không chỉ có vậy, lượng tiêu dùng điện cũng giảm 20%, mức chưa từng có, kể từ khi nước này áp dụng biện pháp phong tỏa.

Hiện Chính phủ Pháp đã cảnh báo khả năng sụt giảm 8% GDP trong năm nay, dù cho biết một số biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 11/5 tới. Tuy nhiên, các quán càphê, bar và nhà hàng vẫn sẽ phải đóng cửa và các hoạt động tụ tập đông người cũng bị cấm.

Hạn chế đi lại ở cả trong và ngoài nước cũng sẽ được duy trì nhiều tháng, ảnh hưởng đến ngành du lịch trong kì nghỉ Hè quan trọng sắp tới.

Đến nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo gói cứu trợ và hỗ trợ tài chính trị giá 110 tỷ euro (tương đương 120 tỷ USD), khẳng định chính phủ sẽ không để các doanh nghiệp phá sản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 22/4 cho biết những doanh nghiệp Pháp đặt trụ sở tại các “thiên đường thuế” sẽ không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính phủ để giảm nhẹ thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Phát biểu trên đài phát thanh France Info, ông Le Maire cũng cho hay những doanh nghiệp đã mua lại cổ phần của mình hoặc trả cổ tức trong thời gian khủng hoảng cũng sẽ không được chính phủ trợ giúp.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các tổ chức công đoàn tại Pháp cảnh báo giới lãnh đạo doanh nghiệp có thể bỏ túi số tiền hỗ trợ của chính phủ thay vì sử dụng chúng để đảm bảo người lao động giữ được việc làm.

Từ nhiều năm qua, các chính phủ châu Âu đã than phiền về tình trạng thất thu hàng tỷ euro thuế doanh nghiệp từ những công ty khai thác kẽ hở của luật pháp cho phép họ đặt trụ sở tại những nước áp dụng cơ chế thu thuế thấp - “các thiên đường thuế,” trên khắp thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục