Dịch COVID-19: Hậu Giang, Bình Phước kiểm soát chặt 'vùng xanh'

Các "vùng xanh" tại Hậu Giang sẽ được “nới lỏng bên trong, siết chặt bên ngoài;” Bình Phước chuẩn bị 17.500 giường bệnh, đồng thời tiếp tục duy trì “vùng xanh” cho cả khu vực.
Dịch COVID-19: Hậu Giang, Bình Phước kiểm soát chặt 'vùng xanh' ảnh 1Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Chiều tối 15/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang có cuộc họp trực tuyến đã thống nhất nguyên tắc “nới lỏng bên trong, siết chặt bên ngoài” để phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các địa bàn đã thiết lập “vùng xanh.”

Thời gian thực hiện 7 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/8/2021.

Theo đó, tỉnh sẽ không lập các chốt kiểm soát liên xã, phường, thị trấn đã được cho phép thiết lập “vùng xanh” liên xã.

Người dân trong “vùng xanh” được đi lại, trao đổi kinh doanh, mua bán hàng hóa, mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, trừ các hộ mua bán, kinh doanh trên tuyến đường luồng xanh Quốc gia và các hoạt động không thiết yếu (như các dịch vụ nhà hàng, giải trí, làm đẹp, thể dục thể thao; lễ hội, tham quan, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ; nghi lễ tôn giáo tập trung đông người); yêu cầu người dân phải nghiêm túc thực hiện quy định 5K, không tập trung trên 10 người bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện.

Cũng trong vùng xanh, các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, yêu cầu người lao động phải nghiêm túc thực hiện quy định 5K, chỉ sử dụng người lao động cư trú trên địa bàn vùng xanh; đối với người lao động, quản lý phải được xét nghiệm, trước khi triển khai hoạt động phải được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án.

Đối với việc vận chuyển hàng hóa trong vùng xanh, Hậu Giang yêu cầu hàng hóa được vận chuyển từ ngoài tỉnh vào phải có bãi trung chuyển, tập kết lên, xuống hàng; hàng hóa phải được khử khuẩn trước khi chuyển sang phương tiện khác vận chuyển vào vùng xanh; lái xe khi vào bãi tập kết hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm; trường hợp đặc biệt vận chuyển hàng hóa thẳng vào vùng xanh phải có địa chỉ cụ thể (có xác nhận hành trình điểm đi và điểm đến), có người giám sát dẫn đường, sau khi giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc về nơi xuất phát ngay.

Việc vận chuyển hàng hóa nội tỉnh phải có địa điểm đã đăng ký trước; lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm; khi giao hàng phải thông báo trước cho chính quyền địa phương nơi đến biết.

Đồng thời, Hậu Giang cũng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội là 7 ngày, kể từ 0 giờ, ngày 16/8/2021, đối với các xã, phường, thị trấn đang thiết lập vùng cách ly y tế, vùng nguy cơ/nguy cơ cao/nguy cơ rất cao.

Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Qua 14 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để; vẫn còn một vài nơi, còn một bộ phận người dân chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch.

Trong những ngày gần đây, các địa phương trong tỉnh có ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng cao, nhiều ổ dịch được ghi nhận rải rác tại các địa phương do người từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về, khai báo y tế thiếu trung thực, làm lây lan dịch bệnh.

Toàn tỉnh, hiện còn 5 xã, 1 phường ghi nhận có ổ dịch trong cộng đồng, đã thiết lập 7 vùngcách ly y tế, với tổng số 262 hộ, 1265 khẩu; các hoạt động giám sát, phòng chống dịch ở các khu này vẫn cần phải được kiểm soát chặt chẽ, ngăn nguy cơ phát sinh ca mắc mới trong khu vực cách ly y tế.

[Dịch COVID-19 ngày 15/8: Số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 136 ca]

Sau 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 2/8 đến 15/8, tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận 125 ca mắc COVID-19; giảm 28 ca so với 14 ngày giãn cách xã hội đợt đầu từ 19/7 đến 1/8, nhưng số ca mắc cộng đồng tăng cao; từ ngày 19/7 đến 1/8 tỉnh ghi nhận 15 ca mắc cộng đồng, từ ngày 2/8 đến 15/8 tỉnh ghi nhận 39 ca.

Tính từ ngày 8/7/2021, ngày Hậu Giang ghi nhận ca bệnh đầu tiên đến nay, tỉnh đã ghi nhận 344 ca mắc COVID-19; đã được Bộ Y tế công bố 334 ca. Trong tổng số 344 ca mắc đã điều trị khỏi 139 ca, có 2 ca tử vong.

Chiều 15/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 305 ca mắc COVID-19 ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố, có 1 trường hợp tử vong. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã điều trị khỏi cho 137 bệnh nhân COVID-19, có 5 trường hợp tái dương tính. Tỉnh đã chuẩn bị 17.500 giường, đáp ứng khả năng cách ly quy mô lớn.

Dịch COVID-19: Hậu Giang, Bình Phước kiểm soát chặt 'vùng xanh' ảnh 2Tiêm vaccine cho người cao tuổi, cán bộ về hưu tại huyên Chơn Thành, Bình Phước. (Ảnh: TTXVN phát)

Về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, đến nay tỉnh Bình Phước đã tiêm mũi 1 cho gần 93.000 người, tiêm mũi 2 cho hơn 13.000 người. Số người dân cần tiêm vaccine COVID-19 là khoảng 700.000 người.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Phước đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5/8/2021 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch COVID-19 là rất kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bình Phước cần chuẩn bị nguồn lực, không để bị động, sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ;” tận dụng thời gian để nâng cao năng lực điều trị và các nguồn nhân lực sẵn sàng cho trường hợp có nhiều người nhiễm; phân chia khu vực dựa vào mức độ nguy cơ cần tính toán cụ thể để có quy định riêng, phù hợp cho từng vùng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bình Phước cần tiếp tục xây dựng, bảo vệ và duy trì “vùng xanh” cho cả khu vực.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập đơn vị hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến, khu điều trị COVID-19; hỗ trợ hệ thống oxy bồn cho các cơ sở điều trị; dụng cụ test nhanh và vaccine COVID-19 để tiêm đủ cho người dân trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục