Dịch COVID-19: Hà Nội nhân rộng mô hình cấp thẻ luân phiên đi chợ

Việc cấp thẻ đi chợ luân phiên đảm bảo nhằm giãn cách, hạn chế đi lại đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân cùng với chính quyền Hà Nội chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Dịch COVID-19: Hà Nội nhân rộng mô hình cấp thẻ luân phiên đi chợ ảnh 1Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai Thẻ đi chợ cho các hộ gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau khi triển hai thí điểm việc cấp thẻ đi chợ ngày chẵn lẻ cho các hộ dân trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm giãn cách, hạn chế người dân đi lại nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống bình thường trong việc tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19.

Việc cấp thẻ này đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân cùng với chính quyền Hà Nội chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đây là cách làm mới cần được khuyến khích ủng hộ trong việc thực hiện đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại chợ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Sở Công Thương Hà Nội khuyến khích các địa phương triển khai việc này để giảm tải lượng người đến khu vực tập trung đông người. Tuy nhiên, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết đề khi triển khai thực hiện không bị vướng mắc, phiếu cho người dân quy định theo ngày chẵn, lẻ, giãn giờ đi chợ để thực hiện tốt.

Đến nay, khi các quận, huyện triển khai việc cấp thẻ đi chợ theo các ngày chẵn, lẻ, theo khung giờ nhằm giãn cách, hạn chế lượng người tập trung đông, giảm thiểu tối đa lượng người đi chợ nhưng vẫn đảm bảo hàng hóa để người dân yên tâm.

[Hà Nội thí điểm phát thẻ đi chợ theo giờ để chống dịch COVID-19]

Bác Bùi Thị Hằng, người dân của phường Nhật Tân, quận Tây Hồ chia sẻ, khi nhận được thẻ đi chợ do bác tổ trưởng phát kèm những lời dặn dò rất kỹ về vị trí chợ được đi, giờ đi, không để ai thu thẻ, thẻ dùng được nhiều lần, nhiều người dân tại phường Nhật Tân không có gì ngỡ ngàng bởi thực tế, việc phát thẻ đi chợ theo giờ đã được một số tỉnh tại miền Nam triển khai trước đó.

“Là người dân, nên chúng tôi tuân thủ và chấp hành đúng quy định của nhà nước đề ra và hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi,” bác Bùi Thị Hằng nói.

Dịch COVID-19: Hà Nội nhân rộng mô hình cấp thẻ luân phiên đi chợ ảnh 2Trên thẻ sẽ ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi hộ dân có thể đi chợ một lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và Chủ nhật. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Huy An ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai cho biết, dịch COVID-19 lây nhiễm rất nhanh và phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng rất nguy hiểm cho người dân. Việc chính quyền địa phương cấp thẻ đi chợ theo khung giờ, theo ngày chẵn lẻ để hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người mua bán tại chợ.

" Chúng tôi rất ủng hộ, mong dịch sớm được đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường," anh An bày tỏ.

Theo chị Nguyễn Thị Hạnh, ở phố Phương Mai, quận Đống Đa, chị cũng đã nhận được thẻ cấp để đi chợ theo khung giờ và theo ngày. Chị thấy rất thuận tiện vì chợ vắng, giữ được khoảng cách an toàn giữ người mua và người bán, quầy hàng được sắp xếp hợp lý nên rất yên tâm đi chợ. Các mặt hàng được bày bán trong chợ vẫn như trước, hàng hóa nhiều, giá cả ổn định. 

Là phường đầu tiên thí điểm phát thẻ đi chợ trên địa bàn Hà Nội, ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nhật Tân cho biết phường đã triển khai việc cấp thẻ đi chợ cho các hộ dân trên địa bàn và cũng hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người dân hiểu và thực hiện.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ đã có văn bản hướng dẫn các phường trên địa bàn quận đồng loạt thực hiện và trong quá trình thực hiện sẽ có những sự điều chỉnh cho hợp lý, quan trọng nhất là giữ an toàn cho người dân và cho phường và cho thành phố Hà Nội; trong đó, chống dịch COVID-19 được đặt lên hàng đầu.

Nhìn chung thì người dân đều nắm rõ và đồng tình ủng hộ, thực hiện nghiêm túc việc đi chợ theo giờ, theo ngày đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho chính mình và mọi người.

“Những khu vực đông công nhân, khu vực ở trọ đông người, chúng tôi dự kiến sẽ phân theo nhóm. Người dân trong khu cùng đăng ký danh sách nhu yếu phẩm cần mua và cử một người ra ngoài mua theo danh sách. Mục đích chính là giảm tối đa lượng người đi ra chợ, tránh tập trung đông người,” ông Đặng Hữu Tiến nói.

Theo Ban Tuyên giáo quận Tây Hồ, trước khi triển khai phát thẻ vào chợ, Ban Tuyên giáo quận Tây Hồ đã triển khai khảo sát và lấy ý kiến của người dân. Kết quả khảo sát khoảng 850 người dân thì 96,8% đồng tình. 

Khi Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ triển khai đồng loạt việc phát vào chợ trên địa bàn các phường thuộc quận, người dân đồng tình hưởng ứng và rất ủng hộ cách làm của chính quyền theo hướng dẫn của Sở Công Thương Hà Nội, chia thành 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 với 4 thẻ, in liền ghi rõ các ngày vào chợ (27, 30/7 và 2, 5/8); nhóm 2 với 4 thẻ ngày (28, 31/7 và 3, 6/8); nhóm 3 với 4 thẻ ngày (29/7 và 1, 4, 7/8), đảm bảo linh hoạt thời gian và tránh tụ tập đông người.

Ngoài việc phát phiếu đi chợ, hiện phường cũng đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án chợ Nhật Tân rà soát các tiểu thương và lập danh sách tiêm phòng vaccine COVID-19, khi có vaccine thì đây cũng sẽ là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng.

Chị Phạm Thị Tuyết, chủ quầy hàng thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng cho biết, trước khi chúng tôi được đến chợ bán hàng cũng đã phải xét nghiệm COVID-19 rồi mới được vào chợ bán hàng.

Việc xét nghiệm này cũng tốt cho bản thân và mọi người, nên tôi rất ủng hộ việc cấp thẻ đi chợ theo khung giờ và ngày chẵn lẻ, bởi vì lượng khách mua hàng sẽ không tập trung đông quá vào một thời điểm, hạn chế tiếp xúc đông người sẽ an toàn hơn. 

Sau quận Tây Hồ, đến nay quận Long Biên, Đống Đa, Hoàng Mai... cũng đã triển khai in và đóng dấu thẻ đi chợ theo ngày chẵn, ngày lẻ để phát cho các gia đình thực hiện, từ sáng 29/7.

Cùng với việc phát thẻ đi chợ, nhiều quầy bán hàng còn làm hàng rào ngăn cách người mua hàng, kẻ vạch giãn cách… để tránh tập trung đông người và tiếp xúc trực tiếp. Các chợ đều thực hiện nghiêm chỉ bán hàng hóa thiết yếu, những quầy bán hàng không thiết yếu đã được yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 459 chợ. Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản gửi Ủy ban  Nhân dân các quận, huyện, thị xã; ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố về việc thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. 

Sở yêu cầu các chợ phải xây dựng và triển khai theo phương án, kịch bản phòng, chống COVID-19, có biện pháp kiểm soát người ra-vào chợ, tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (vào một chiều, ra một chiều). 

Trường hợp phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại chợ, chính quyền địa phương đóng cửa tạm thời, xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Thành phố Hà Nội sẽ bố trí các điểm bán lưu động, các kênh phân phối khác hỗ trợ, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.

Sở Công Thương Hà Nội, sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định.

Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, các khu chợ được phép hoạt động để cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân. Ðây là nơi tập trung đông người, khó kiểm soát người ra vào, cho nên cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đã có các cách làm hay để hoạt động tại chợ diễn ra an toàn, bảo đảm an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục