Dịch COVID-19: Doanh nghiệp Việt Nam ở Australia nỗ lực vượt khó

Nhờ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả, Chính phủ Australia đã quyết định nới lỏng các quy định giãn cách xã hội và các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm.”
Một cửa hàng hoa mở cửa trở lại sau khi Chính phủ công bố kế hoạch nới lỏng " an toàn - COVID" theo lộ trình 3 giai đoạn tại Melbourne, Australia,ngày 8/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cửa hàng hoa mở cửa trở lại sau khi Chính phủ công bố kế hoạch nới lỏng " an toàn - COVID" theo lộ trình 3 giai đoạn tại Melbourne, Australia,ngày 8/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi Australia ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 1/3, số ca mắc bệnh tiếp tục tăng nhanh ở các đô thị lớn.

Chính phủ Australia đã nhanh chóng ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, đóng cửa biên giới quốc gia và quyết định phong tỏa đất nước với lệnh đóng cửa các hoạt động kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, quán càphê, các hoạt động thể thao, giải trí... để ngăn chặn sự lây nhiễm từ nước ngoài và bùng phát các ổ dịch ở trong nước.

Trước tình hình trên, cũng giống như hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa khác ở Xứ Chuột túi, kể từ tháng 3/2020, Công ty du lịch AA Travels thực sự đối mặt với những khó khăn và thách thức hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Văn Dũng nói: “Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành kinh tế của Australia, song ngành du lịch là bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất.

Doanh số trong hai tháng 3-4/2020 của AA Travels "chỉ đạt một con số 0" và công ty này đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc tạm thời.

Không chỉ có ngành du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Ông Trần Phú Tâm, chủ nhà hàng Sapa Hills ở thành phố Melbourne, cho biết trong hai tháng qua, doanh thu của nhà hàng đã giảm 80-90% do chỉ được phép bán đồ ăn mang đi.

Do số lượng khách giảm, chủ yếu đặt hàng vào buổi tối, hiện vợ chồng ông phải trực tiếp nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn cho khách mang đi, sau khi cho hầu hết nhân viên nghỉ việc.

Ông Tâm cho biết: “Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ có tới 60-70% nhà hàng và quán càphê phải đóng cửa vĩnh viễn vì hết vốn kinh doanh.”

Để giảm bớt gánh nặng tài chính và duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch bệnh, AA Travels và Sapa Hills là hai trong gần 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Australia phải tìm đến các gói hỗ trợ của chính quyền liên bang và tiểu bang, trợ cấp lương cho nhân viên, hỗ trợ trọn gói cho doanh nghiệp, giảm thuế...

Ông Nguyễn Văn Dũng nói: “Trong thời gian khó khăn này, chúng tôi mới thấy được sự quan tâm và hỗ trợ to lớn và thiết thực của Chính phủ Australia nói chung và chính quyền bang Victoria nói riêng đối với người dân và các doanh nghiệp hoạt động trên đất nước Australia.”

Nhờ các biện pháp giãn cách xã hội được người dân thực hiện một cách nghiêm túc dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, số ca nhiễm COVID-19 ở Australia đã được kiểm soát và giảm dần.

Cuối tuần trước, Chính phủ Australia đã quyết định nới lỏng các quy định giãn cách xã hội kể từ ngày 13/5 theo quy trình ba bước, với hy vọng có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các giới hạn vào tháng 7/2020.

Trước quyết định trên của chính phủ cũng như việc kiểm soát tốt đại dịch tại các tiểu bang, với nhiều tiểu bang không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới nào trong nhiều ngày, cộng đồng doanh nghiệp ở Australia như đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm.”

[Bang New South Wales của Australia lần đầu không có thêm ca nhiễm mới]

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, ngay khi có tin chính phủ sắp nới lỏng các hạn chế xã hội, AA Travels đã khôi phục hoạt động và chuẩn bị các chương trình du lịch nội địa, bao gồm những chương trình tham quan du lịch trong phạm vi từng tiểu bang và giữa các tiểu bang.

Đặc biệt trong mùa Đông sắp tới, AA Travels sẽ tổ chức chương trình tham quan núi tuyết, học kỹ năng trượt băng và trượt tuyết trên đỉnh núi.

Ông Harry Trần, sáng lập viên và giám đốc điều hành Công ty Xúc tiến Thương mại và đầu tư Việt Australia (VA Trade Promotion), có trụ sở tại Sydney, cho hay dịch bệnh và các lệnh hạn chế đi lại của Chính phủ Australia và Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của các doanh nghiệp hai nước là khách hàng của công ty.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, các doanh nghiệp cũng đang rất vất vả để quay trở lại nhịp điệu làm việc trước đây.

Ông Harry Trần cho biết để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, VA Trade Promotion đã định hướng lại chiến lược phát triển cũng như vấn đề nhân sự.

Đặc biệt, VA Trade Promotion đang lên kế hoạch với các đối tác để sẵn sàng tổ chức ngày Cafe Việt Nam tại Australia khi thị trường mở cửa trở lại.

Trong khi đó, ông Tâm, chủ nhà hàng Sapa Hills, xác định sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục lại hoạt động kinh doanh như trước đây.

Trước mắt, ông sẽ tập trung vào việc giảm chi phí kinh doanh, đàm phán với chủ nhà về việc giảm tiền thuê địa điểm nhà hàng hay tìm thuê địa điểm mới nhỏ hơn với giá thuê rẻ hơn.

Ông Tâm cũng tiết lộ kế hoạch chuyển đổi sang mô hình kinh doanh kết hợp nhà hàng và du lịch trong thời gian tới khi điều kiện cho phép.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Xứ Chuột túi, không phải doanh nghiệp nào của người Việt cũng gặp khó khăn và rơi vào tình trạng “ngủ Đông.”

Công ty chế biến sản phẩm thịt gia cầm Master Poultry Group ở thành phố Melbourne là một câu chuyện thành công trong mùa dịch.

Ông Vũ Tuấn Anh, đại diện Master Poultry Group, cho biết doanh số của công ty này đã tăng mạnh trong mùa COVID-19 nhờ vào số đơn đặt hàng tăng từ những khách hàng lớn như chuỗi siêu thị và cửa hàng ăn nhanh.

Bên cạnh số lượng nhân viên thường xuyên là 150 người, trong đó đa số là người Việt, công ty này phải tuyển thêm 20-30 lao động để đáp ứng các đơn đặt hàng mới.

Để phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như chất lượng sản phẩm, Master Poultry Group đã phải mua khẩu trang, thuốc khử trùng, tấm chắn nhựa và cả máy đo thân nhiệt để trang bị cho nhân viên và các phân xưởng sản xuất, trong khi vẫn bảo đảm mức giá cạnh tranh cho các sản phẩm.

Ông Vũ Tuấn Anh cho biết thêm, cách đây một tháng, Master Poultry Group đã được cấp giấy phép xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, sau khi đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Chính phủ Australia đối với sản phẩm xuất khẩu mang nhãn hiệu "Made in Australia.”

Giấy phép này chính là điều kiện để Master Poultry Group mở rộng hoạt động kinh doanh và quảng bá thương hiệu sau khi đại dịch kết thúc.

Mặc dù được ngăn chặn khá thành công ở Australia, cho đến nay đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn hại lớn đối với sức khỏe của người dân và nền kinh tế Australia.

Tính đến ngày 12/5, Australia đã ghi nhận gần 7.000 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có gần 100 ca tử vong. Để đối phó với đại dịch, Chính phủ Australia đã phải tung ra các gói hỗ trợ lên tới gần 150 tỷ USD.

Tại cuộc họp cuối tuần trước của Nội các Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết kinh tế nước này bị thiệt hại 2,6 tỷ USD mỗi tuần do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Những thiệt hại này gây sức ép lớn đối với chính phủ liên bang và chính quyền các bang của Australia xem xét nới lỏng các hạn chế trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển nền kinh tế “an toàn với COVID-19.”

Đây cũng là điều mong muốn hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam ở Australia để họ có thể sớm khôi phục lại công việc kinh doanh và ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục