Dịch COVID-19: WHO nhận định châu Mỹ vẫn chưa tới đỉnh dịch

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Mỹ vẫn chưa lên tới giai đoạn đỉnh điểm và châu lục này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca tử vong trong vài tuần tới.
Dịch COVID-19: WHO nhận định châu Mỹ vẫn chưa tới đỉnh dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Caracas, Venezuela, ngày 2/4/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Mỹ vẫn chưa lên tới giai đoạn đỉnh điểm và châu lục này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca tử vong trong vài tuần tới.

Đây là nhận định của Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Michael Ryan trong cuộc họp báo ngày 24/6 tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ. 

Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 tại châu Mỹ hiện đang ở giai đoạn "khốc liệt," đặc biệt tại khu vực Trung và Nam Mỹ khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV0-2 tăng từ 25 đến 50% trong tuần qua. Điều này chứng tỏ tốc độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn ở mức cao.

Quan chức WHO nhấn mạnh vấn đề cấp thiết hiện nay là chính phủ các nước cần có biện pháp xử lý đồng bộ, cập nhật thông tin về dịch bệnh đầy đủ cũng như các biện pháp phòng ngừa đến người dân, tiến hành đồng thời với đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống hạ tầng y tế công cộng, tăng cường năng lực xét nghiệm, truy vết các ca nghi nhiễm để cách ly các đối tượng có tiếp xúc, qua đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 

Các quan chức WHO nhấn mạnh có một thực tế cần lưu ý là châu Mỹ đang trong mùa cúm, do đó, dễ có sự nhầm lẫn giữa những bệnh nhân cúm thông thường và bệnh nhân COVID-19 khi số ca bệnh về đường hô hấp gia tăng.

Tuy nhiên, hệ thống giám sát bệnh hô hấp ở châu Mỹ cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có kết quả dương tính với các loại cúm khác là vào khoảng 30-40%. 

Trên thực tế, gần một nửa số ca tử vong trên thế giới do COVID-19 tập trung tại châu Mỹ và con số này đang tiếp tục tăng. Giám đốc WHO tại châu Mỹ, Carissa Etienne cho biết tính đến ngày 23/6, châu Mỹ ghi nhận hơn 4,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 226.000 ca tử vong. Trong một tháng qua, khu vực Mỹ Latinh và Caribe nói riêng đã ghi nhận mức tăng từ 690.000 ca lên 2 triệu ca. 

Cuối tuần qua, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Brazil đã lên trên 1 triệu ca, cùng với Mỹ là hai nước có số ca mắc COVID-19 ở 7 con số. Brazil cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực châu Mỹ Latinh trong đại dịch COVID-19. 

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 24/6, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã kêu gọi Brazil tăng cường xét nghiệm nhằm xác định những người nhiễm virus SARS-CoV-2, coi đây là yếu tố then chốt để đối phó với dịch bệnh này.

Giám đốc Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal cho rằng mặc dù trong thời gian qua Brazil đã nỗ lực thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định các ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng số lượng xét nghiệm vẫn chưa đạt tỷ lệ 10.000 mẫu thử/1 triệu dân.

Vì vậy, cơ quan y tế cần phải tăng cường hơn nữa các xét nghiệm để các chuyên gia y tế có một cái nhìn sát thực tế nhất về tính chất của dịch bênh và từ đó đưa ra những quyết định sớm nhất vì sức khỏe của cộng đồng.

Ngày 24/6, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng do COVID-19.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires cho biết phát biểu tại một hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và Caribe do Tây Ban Nha và một số tổ chức quốc tế đồng tổ chức, Tổng thống Fernandez nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các hành động tập thể nếu không muốn đối mặt với những đại dịch khác như thất nghiệp, bất bình đẳng và đói nghèo.

Theo nhà lãnh đạo Argentina, các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế cần phải ủng hộ việc giãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới thông qua việc xem xét khả năng thiết lập bộ khung tổng thể về việc tái cơ cấu các khoản nợ công trên cơ sở công bằng và bền vững cho cả các chủ nợ và các nước đi vay sau những tác động do cuộc khủng hoảng bệnh dịch gây ra.

Tổng thống Fernandez cũng đề xuất thành lập một ủy ban toàn cầu để xử lý khủng hoảng với nhiệm vụ trao đổi thông tin về dịch bệnh, phát triển vaccine và các biện pháp điều trị bệnh, áp dụng việc xét nghiệm trên diện rộng, cũng như phối hợp để hoạt động thương mại quốc tế.

Với chủ đề “Cùng nhau đưa ra giải pháp cho Mỹ Latinh và Caribe trước đại dịch COVID-1,” hội nghị trực tuyến đã đưa ra nhiều đề xuất để thúc đẩy các biện pháp phối hợp trong cuộc đấu tranh chống COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Peru, Paraguay, Cộng hòa Dominicana, Uruguay, Barbados, cũng các quan chức của Cộng đồng Caribe (Caricom), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ.

Cuba ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất từ đầu dịch

Cũng ở khu vực Nam Mỹ, ngày 24/6, Cuba ghi nhận duy nhất 1 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, con số thấp nhất kể từ đầu mùa dịch. 

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong vòng gần một tháng qua, Cuba ghi nhận 1 ca tử vong do dịch bệnh, với tổng số người thiệt mạng do COVID-19 là 85 người. Hiện số bệnh nhân COVID-19 vẫn đang nằm viện để tiếp nhận điều trị là 102 người với 101 người (99%) trong số đó được báo cáo có tiến triển lâm sàng ổn định. 

Tới nay, thủ đô La Habana vẫn là tâm dịch COVID-19 tại Cuba và là địa phương duy nhất duy trì các biện pháp hạn chế mà chính phủ áp đặt để đối phó dịch bệnh. 

Trong khi đó, toàn bộ các tỉnh còn lại, với ít nhất 2 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới, đã bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch, bao gồm việc nối lại giao thông công cộng và khởi động lại du lịch cho người dân địa phương.

Cũng trong giai đoạn đầu này, Chính phủ Cuba đã cho phép mở cửa trở lại một số hàng quán và các dịch vụ dân sinh, tuy nhiên vẫn hạn chế tối đa tụ tập đông người và người dân vẫn buộc phải sử dụng khẩu trang khi ra đường. 

Cũng theo số liệu do cơ quan y tế Cuba công bố, tính tới thời điểm hiện tại đảo quốc Caribe đã ghi nhận tổng cộng 2.319 trường hợp mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó 2.130 người đã được chữa khỏi hoàn toàn, chiếm tỷ lệ 91,8%.

Theo thống kê từ PAHO, Cuba là quốc gia đứng thứ hai ở khu vực Mỹ Latinh, sau Uruguay, với 94,9% tỷ lệ bệnh nhân phục hồi. Tiếp đến là Chile với 82,8%, Mexico (75,2%), Paraguay (63,1%), Panama (56,9%) và CH Dominicana (56,7%).

Dịch bệnh diễn biến trái chiều tại Tây Âu và Nam Âu

Ngày 24/6, một số nước Tây Âu tiếp tục nới lỏng biện pháp hạn chế hoạt động trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến tích cực, trong khi một số nước Nam Âu tái áp đặt một số biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Tại Anh, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps tuyên bố việc thiết lập "các hành lang đi lại" với một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm miễn quy định cách ly 14 ngày là "ưu tiên lớn hàng đầu" của Anh.

Dịch COVID-19: WHO nhận định châu Mỹ vẫn chưa tới đỉnh dịch ảnh 2Nhân viên sân bay Orly ở ngoại ô Paris, Pháp làm nhiệm vụ tại nhà chờ số 3, ngày 22/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố  "các hành lang đi lại" với 10 nước trong EU vào ngày 29/6. Hiện chưa có danh sách cụ thể 10 nước này, nhưng các nước Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đan Mạch và Bỉ được cho là sẽ có tên trong danh sách.

Theo đó, những người đến từ 10 nước trong "các hành lang đi lại" khi vào Anh sẽ được miễn quy định cách ly 14 ngày mà Chính phủ Anh áp dụng từ ngày 8/6 đối với tất cả người nhập cảnh nước này, kể cả công dân Anh từ nước ngoài về nước.

Hành lang đi lại dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 4/7 tới để người Anh có thể đi nghỉ Hè tại các nước vùng Địa Trung Hải được miễn áp dụng quy định nói trên. Anh đưa ra chính sách cách ly 14 ngày muộn hơn so với nhiều nước khác, trong bối cảnh một số nước đang nới lỏng chính sách đi lại.

Chính phủ Anh cho biết biện pháp cách ly được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở nước này trong khi thế giới chưa tìm ra được vaccine phòng COVID-19.

Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte thông báo chính phủ nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, song khuyến cáo người dân cần duy trì cảnh giác với dịch bệnh.

Theo đó, từ ngày 1/7 tới, các phòng tập, phòng xông hơi và sòng bạc sẽ được phép mở cửa trở lại, trong khi các rạp hát, rạp chiếu phim sẽ không còn bị hạn chế số khán giả. Các phương tiện giao thông công cộng sẽ tiếp tục được nới lỏng hoạt động.

Cũng từ ngày 1/7, các sân bóng đá tại Hà Lan sẽ mở cửa trở lại cho người hâm mộ thể thao đến xem nhưng với điều kiện hạn chế số lượng khán giả và đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Các trường trung học tại Hà Lan có thể mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Hè. Nhà chức trách cho biết học sinh không nhất thiết phải thực hiện quy định giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét, nhưng các giáo viên vẫn phải tuân thủ quy định này. Trong ngày 24/6, Hà Lan ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 6.097 ca. Số ca mắc tại nước này tăng thêm 83 ca lên 49.804 ca. 

Trong khi đó, do số ca mắc COVID-19 gia tăng tại các nước ở bán đảo Balkan, Chính phủ Croatia tuyên bố sẽ tái áp đặt quy định công dân các nước Bosnia, Serbia và Bắc Macedonia và vùng lãnh thổ Kosovo nhập cảnh nước này phải tự cách ly 14 ngày.

Bộ Nội vụ Croatia thông báo biện pháp này có hiệu lực từ 0h ngày 25/6 theo giờ địa phương (tức 5h ngày 25/6 giờ Việt Nam). Quy định này sẽ không áp dụng đối với những khách quá cảnh Croatia. Chính phủ Croatia dự kiến xem xét lại quyết định trên sau 14 ngày.

Croatia cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, hạn chế được số ca tử vong ở mức 107 ca trong tổng số 2.388 ca mắc.

Từ giữa tháng 5, quốc gia 4,2 triệu dân này ghi nhận ít hoặc không có ca mắc mới mỗi ngày. Cuối tháng 5, Croatia mở lại cửa khẩu mà không áp dụng biện pháp hạn chế đối với công dân của 10 nước EU đã khống chế được dịch bệnh (gồm Áo, Cộng hòa Séc, Estonia, Đức, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia).

Động thái này được đưa ra nhằm giải cứu ngành du lịch – lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Croatia - đang bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.  Tuy nhiên, số ca mắc tại đây có chiều hướng gia tăng trong tuần qua với 30 ca mắc mới trong một ngày. 

Trong khi đó, các nước và vùng lãnh thổ ở Balkan gồm Bosnia, Serbia, Bắc Macedonia và Kosovo có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn từ đầu tháng 6 này. Riêng Bắc Macedonia ghi nhận tới gần 200 ca mắc mới trong một ngày.

Tại Slovenia, Chính phủ nước này vừa áp đặt lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đến các điểm công cộng trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như sát khuẩn tay trước khi ra vào các điểm này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Slovenia ghi nhận số ca mắc mới tăng sau khi dỡ bỏ biện pháp phòng dịch đầu tháng 6 này. Đến nay, quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận 1.541 ca mắc, trong đó có 109 ca tử vong.

Tại nước láng giềng Italy, chính quyền đảo Sicily thông báo hàng chục người di cư có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được cứu ở Địa Trung Hải và được đưa đến một tàu cách ly ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Italy. 

Tuần trước, tàu cứu hộ nhân đạo Sea-Watch 3 đã cứu hơn 200 người mắc kẹt trên biển, sau đó đưa đến thị trấn Porto Empedocle  trên đảo Sicily ngày 21/6. Những người di cư, chủ yếu là người châu Phi, đã lập tức được đưa đến tàu Moby Zaza của Italy. Tại đây, 28 người di cư đã được xác nhận mắc COVID-19. 

Trước đó, Italy thông báo từ tháng 4 đến hết tháng 7 cấm các tàu cứu người di cư cập cảng nước này để đề phòng dịch COVID-19 lây lan. Hiện Italy chuyển tất cả những người di cư được cứu trên biển đến những tàu, phà lớn neo đậu ngoài khơi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục