Ngày 17/12, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương kêu gọi thế giới cần thận trọng trong bối cảnh vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) được triển khai trên toàn cầu, nhấn mạnh vắcxin không phải là "phương thuốc thần" có thể chấm dứt được đại dịch đã kéo dài gần một năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 1,6 triệu người.
Trong bài phát biểu trực tuyến, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO Takeshi Kasai khẳng định chừng nào virus còn tồn tại, thì tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm, và thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Ông Kasai kêu gọi những người trẻ tuổi và thường xuyên giao tiếp xã hội cần hết sức tránh lây nhiễm cho bản thân và những người xung quanh.
Thông qua việc tuân thủ khuyến cáo của giới chức y tế, mỗi người dân có thể đóng góp trực tiếp vào việc bảo vệ cuộc sống của cộng đồng, từ đó phục hồi các nền kinh tế trong năm 2021.
Bên cạnh đó, ông Kasai kêu gọi các chính phủ trong khu vực sử dụng thêm hàng rào kiểm soát giúp phát hiện sớm các dấu hiệu lây nhiễm trong các nhóm mà hệ thống hiện nay đang gặp khó khăn trong việc xác định lây nhiễm.
Ông nhấn mạnh: "Phát triển một vắcxin an toàn và hiệu quả là một chuyện, song sản xuất vắcxin với số lượng phù hợp để đến được với tất cả mọi người lại là chuyện khác."
Ông nêu rõ ban đầu, vắcxin sẽ chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế và ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao. Điều này đồng nghĩa mỗi cá nhân vẫn cần tuân thủ quy định phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cùng chung quan điểm này, Giám đốc phụ trách tình hình khẩn cấp trong khu vực của WHO Babatunde Olowokure nhấn mạnh thế giới "không được tự mãn, phải duy trì cảnh giác, tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế công."
[Vấn đề trong sản xuất và phân phối vắcxin của Pfizer-BioNTech]
Ông hối thúc các chính phủ đề ra các chiến lược giúp những người trẻ tuổi thực thi các biện pháp này một cách phù hợp.
Theo thống kê, khu vực Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận tổng cộng 985.539 ca mắc COVID-19, trong đó có 18.641 ca tử vong.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta xác nhận nước này sẽ dành 75 triệu NZD (khoảng 53,51 triệu USD) để hỗ trợ việc tiếp cận và triển khai vắcxin ở khu vực Thái Bình Dương và toàn cầu.
Bà Mahuta cho biết cách tiếp cận của New Zealand là mua đủ vắcxin cho New Zealand và các nước láng giềng như Samoa, Tonga và Tuvalu nếu chính phủ các đảo quốc này muốn tiếp nhận sự hỗ trợ.
Bên cạnh đó, New Zealand có kế hoạch đóng góp thêm 10 triệu NZD (7,14 triệu USD) cho chương trình COVAX AMC của Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng GAVI, một cơ chế đa phương quan trọng hỗ trợ việc tiếp cận vắcxin trên toàn cầu một cách công bằng.
Tại Mỹ, các chuyên gia dự kiến nhóm họp trong ngày 17/12 để quyết định có khuyến nghị phê duyệt vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna sản xuất hay không.
Cuộc họp sẽ được phát trực tuyến cho người dân theo dõi và kết thúc bằng phiên bỏ phiếu. Trong trường hợp các chuyên gia ủng hộ, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ sớm cấp phép và Mỹ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vắcxin của Moderna.
Theo các tài liệu công bố ngày 15/12, FDA đánh giá vắcxin tiêm 2 liều của Moderna phòng ngừa COVID-19 rất hiệu quả.
Cơ quan này cũng không đưa ra bất kỳ quan ngại nào về vấn đề an toàn trong việc sử dụng vắcxin này đối với người trên 18 tuổi.
Trước đó, FDA đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho vắcxin của Pfizer/BioNTech và tiến hành phân phối 3 triệu liều vắcxin đầu tiên trong tuần này./.