Ngày 4/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6-7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
COVAX được WHO và Liên hợp quốc đồng sáng lập nhằm đảm bảo phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp.
Đến nay hơn 80 triệu liều vaccine đã được chuyển đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cho đến nay, các quốc gia giàu có cam kết chia sẻ hơn 150 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn.
Tuy nhiên, trả lời báo giới, Cố vấn cấp cao của WHO - ông Bruce Aylward, cho biết COVAX đang cần thêm khoảng 200 triệu liều vaccine và hiện chưa có đủ vaccine để giúp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Ông đánh giá việc các nước giàu cam kết đóng góp 150 triệu liều vaccine cho COVAX là "sự khởi đầu tốt", song cho biết số vaccine này chưa được giao ngay trong tháng 6-7.
Ông cũng cho biết thế giới sẽ cần có thêm 250 triệu người được tiêm vaccine từ nay đến cuối tháng 9 nếu muốn đạt mục tiêu có ít nhất 30-40% dân số toàn cầu được tiêm chủng trong năm nay.
Cùng ngày, bộ trưởng y tế các nước thành viên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định ủng hộ ý tưởng chia sẻ vaccine khi điều kiện trong nước cho phép.
Theo tuyên bố chung do Anh - quốc gia hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên G7 - công bố, các nước G7 cam kết ủng hộ việc chia sẻ các vaccine an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá phải chăng trên quy mô toàn cầu. Tuyên bố nhấn mạnh cam kết hợp tác với COVAX khi tình hình dịch bệnh ở trong nước cho phép.
Thế giới cán mốc 2 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân vào ngày 3/6 vừa qua. Tuy nhiên, 37% trong số này được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao vốn chiếm 16% dân số toàn cầu.
Chỉ có 0,3% số vaccine đã tiêm được thực hiện ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất trên thế giới với tổng số dân chiếm 9% dân số toàn cầu.
Theo các quan chức Liên hợp quốc, dự kiến, COVAX sẽ phân phối hàng triệu liều vaccine AstraZeneca tới châu Phi trong tháng 6-7 để giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đang bị chậm lại của châu lục này.
[WB và IMF kêu gọi G7 chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển]
Trong khi đó tại Serbia, ngày 4/6, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố nước này bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngoài Belarus sản xuất vaccine của Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, lễ khởi động giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất vaccine của Nga tại Serbia được tổ chức dưới hình thức trực tuyến giữa Moskva và thủ đô Belgrade của Serbia trước sự chứng kiến của Tổng thống Vucic và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Phát biểu với báo giới, ông Vucic nêu rõ việc khởi động sản xuất vaccine Sputnik V ở Serbia là một vinh dự lớn đối với ông, đồng thời nhấn mạnh những liều vaccine sản xuất tại Serbia sẽ ra mắt trong vài ngày tới, không chỉ cung cấp cho công dân Serbia mà còn người dân trên khắp thế giới.
Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu trước người dân Serbia, ông Vucic đã gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Putin và Nga vì đã bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Nga ở nước này. Theo các quan chức Serbia, nước này sẽ sản xuất 4 triệu liều vaccine Sputnik V trong vòng 4-6 tháng tới.
Hồi đầu tháng 5, Đại sứ Serbia tại Moskva, ông Miroslav Lazanski cho biết, hơn 80% người dân nước này mong muốn được tiêm vaccine Sputnik V. Theo ông Lazanski, trong khi người dân Serbia được lựa chọn loại vaccine để tiêm chủng thì vaccine Nga chiếm một vị trí quan trọng.
Vaccine Sputnik V của Nga đã được đăng ký sử dụng tại hơn 65 quốc gia, song vẫn chưa được giới chức y tế Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ phê chuẩn.
Các quan chức Nga ngày 4/6 nói rằng công tác đánh giá vaccine Sputnik V của châu Âu đang diễn tiến "theo đúng kế hoạch" và vaccine này có thể được cấp phép trong những tháng tới.
Tổng thống Putin cùng ngày lưu ý rằng vaccine Nga đã được công nhận là an toàn và hiệu quả nhất với hiệu suất lên tới hơn 96%, chưa có trường hợp tử vong nào do tiêm vaccine./.