Dịch COVID-19: Vĩnh Phúc ổn định hoạt động cho các doanh nghiệp

Ủy ban Nhân dân tỉnh Vinh Phúc đã yêu cầu các ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo ổn định lao động cho các doanh nghiệp.
Dịch COVID-19: Vĩnh Phúc ổn định hoạt động cho các doanh nghiệp ảnh 1Nhân viên văn phòng Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất hàng may mặc Việt Nam tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 đeo khẩu trang khi làm việc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Trước tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vinh Phúc đã yêu cầu các ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo ổn định lao động cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các huyện, thành phố, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, ban quản lý các khu công nghiệp, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan quán triệt tinh thần "Chống dịch như chống giặc;" đề cao cảnh giác, quyết liệt, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp và hiện đang sử dụng tới 87.000 lao động, do môi trường và vị trí làm việc tiếp xúc gần nhau, có yếu tố người nước ngoài ở một số quốc gia có dịch bệnh. Tuy được giám sát về dịch bệnh, nhưng tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch, do đó đòi hỏi phòng dịch bệnh phải thường xuyên.

[Vĩnh Phúc: 82 người dân hoàn thành cách ly được về với gia đình]

Những ngày qua, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh, đồng thời yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có người nước ngoài thực hiện các biện pháp phun thuốc khử trùng tiêu độc; lập chốt tự kiểm tra thân nhiệt, cấp phát khẩu trang và một số vật tư phòng dịch, yêu cầu 100% người lao động, khách hàng đến giao dịch đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi ra, vào xưởng, nhà máy làm việc.

Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, phân loại, cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh, người trở về từ vùng dịch theo đúng quy định; đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động thấy được tính chất, tình hình dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống cho mình, người thân và cộng đồng…

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng thường xuyên cử các đoàn kiểm tra xuống nhà, xưởng gặp gỡ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, công nhân lao động và yêu cầu mọi người phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, nắm chắc tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh. Từ đó, phát hiện sớm và báo cáo ngay với các cấp, ngành chức năng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra để khoanh vùng, cách ly, xử lý kịp thời.

Dịch COVID-19: Vĩnh Phúc ổn định hoạt động cho các doanh nghiệp ảnh 2Khách đến làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên được đo kiểm tra thân nhiệt. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin của Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tình hình diễn biến dịch bệnh; hoạt động lãnh đạo chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn... cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung chỉ đạo hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc; cũng như tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, phối hợp với các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang... để có thêm nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang xem xét có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoài tỉnh đến làm việc trong các doanh nghiệp, khảo sát mở thêm các tuyến xe buýt tại các khu công nghiệp...Đồng thời, giao các ngành chức năng tham mưu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất thuận lợi, kịp thời; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Qua khảo sát và tìm hiểu, tình hình nguyên vật liệu, nguyên liệu thô phục vụ sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp trong quý 1 không thiếu nhiều nhưng sang tới quý 2 của năm 2020 sẽ cạn, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử, cơ khí phần lớn nhập nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Nếu không nhập được các sản phẩm thô, nguồn nguyên liệu thô, các doanh nghiệp này sẽ lâm vào tình trạng sản xuất suy giảm, đình trệ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục