Dịch COVID-19: Vì sao Nga khó bắt buộc sử dụng mã QR nơi công cộng?

Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Ria Novosti công bố cho thấy gần 70% số người được hỏi ý kiến phản đối áp dụng kiểm tra bắt buộc mã QR
Mã QR trên điện thoại thông minh tại Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Độc Lập của Nga số ra mới đây có bài viết cho biết chính quyền nước Cộng hoà Tatarstan thuộc Nga ngày 11/11 đã quyết định áp dụng mã QR trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng.

Cùng ngày, Cơ quan điều phối liên bang ứng phó dịch bệnh COVID-19 tuyên bố đang soạn thảo dự thảo luật về quy định bắt buộc xuất trình mã QR trên các phương tiện giao thông và tại các địa điểm công cộng.

Rõ ràng để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhà chức trách đã chọn quy định pháp luật như một công cụ ưu tiên và có lẽ nó sẽ có hiệu quả. Nhưng một số khu vực đã gửi yêu cầu lên Tổng thống Vladimir Putin đề nghị không áp dụng quy định này. Điện Kremlin nhấn mạnh sẽ không can thiệp vào thẩm quyền của Chính phủ và các chủ thể liên bang.

Chính quyền Cộng hòa Tatarstan nhấn mạnh mọi người sẽ được ra vào các địa điểm công cộng nếu xuất trình mã QR chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ do Cổng Dịch vụ Nhà nước cung cấp, hoặc trong trường hợp người này đã từng mắc COVID-19, cũng như mã QR do các cơ sở y tế cung cấp.

Đồng thời, chính quyền Tatarstan khẳng định người dân không chỉ được sử dụng mã QR phiên bản điện tử mà còn được dùng cả phiên bản giấy. Các hãng vận chuyển hành khách cũng sẽ thực hiện kiểm tra mã QR khi hành khách lên phương tiện giao thông công cộng. Các doanh nghiệp vận tải cũng được cam kết sẽ có những hỗ trợ thích hợp.

Như vậy, Tatarstan đã trở thành khu vực đầu tiên của Liên bang Nga đưa ra quy định này trong làn sóng dịch COVID-19 mới lần này, nhưng rõ ràng thời gian tới sẽ có nhiều khu vực khác phải áp dụng.

[Chuyên gia Nga dự đoán ba kịch bản diễn biến của dịch COVID-19]

Ở một số vùng, bên cạnh giao thông địa phương còn có vận tải liên khu vực và liên bang cũng đóng vai trò quan trọng, ví dụ như đường sắt, đường hàng không thì người dân sẽ khó khăn hơn trong việc sử dụng mã QR.

Cũng trong ngày 11/11, Uỷ ban điều phối liên bang ứng phó dịch bệnh COVID-19 đã xác nhận những thông tin về việc áp dụng quy định xuất trình bắt buộc mã QR trên các phương tiện giao thông, cũng như tại các cửa hàng, quán cafe là chính xác. Ủy ban này cho biết đang cùng với các ban, ngành xây dựng dự luật này đề trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện).

Truyền thông Nga cũng đã xuất hiện các thông tin rằng Chính phủ đang soạn thảo 2 dự luật về việc xuất trình bắt buộc mã QR trên các phương tiện giao thông, tại quán cafe, cửa hàng. Các quy định này sẽ có hiệu lực đến tháng 6/2022. Sự ra đời của luật này nhằm thúc đẩy người dân tiêm chủng.

Theo thông tin của một số báo đài, dự luật đầu tiên có thể là những sửa đổi của luật về quyền lợi vệ sinh-dịch tễ của người dân. Theo đó, dự luật sửa đổi có nội dung như sau: “Các quyết định về mã QR và chi tiết sử dụng chúng sẽ do các khu vực quyết định, và các sửa đổi luật quy định rằng khi áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19, chính quyền các địa phương vẫn phải đảm bảo người dân vẫn có thể tham dự các sự kiện quần chúng, các tổ chức văn hoá, dịch vụ ăn uống và bán lẻ, hoặc bằng việc kiểm tra mã QR về tiêm chủng, hoặc theo giấy tờ chứng nhận người đó đã từng mắc COVID-19, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR.”

Cần nhấn mạnh rằng các địa điểm cụ thể cần phải kiểm tra mã QR là do lãnh đạo khu vực đó ra quyết định, trong đó có tính đến tình hình vệ sinh dịch tễ. Đây là lý do tại sao có sự tranh cãi hiện nay - ví dụ như các cửa hàng hay hiệu thuốc có phải áp dụng mã QR hay không.

Rõ ràng, các biện pháp mới này xuất phát từ mức độ tiêm chủng rất thấp ở Liên bang Nga. Để chiến thắng COVID-19, cần phải đạt miễn dịch cộng đồng trong khoảng 80% dân số trưởng thành.

Theo Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova, mức độ miễn dịch hiện nay chỉ khoảng 48,4%. Như vậy, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cần có thêm 22 triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tiêm mũi nhắc lại cho khoảng 9 triệu người.

Aleksandr Ginsburg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh học quốc gia, hoan nghênh ý tưởng luật hóa việc sử dụng mã QR trên phương tiện giao thông và các địa điểm công cộng. Ông tin rằng điều này sẽ tác động tích cực đến việc ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19 hiện có và sự xuất hiện của những biến thể mới.

Bà Anna Popova, lãnh đạo Trung tâm Giám sát quyền lợi người tiêu dùng Rospotrebnadzor, cho biết mã QR đã được áp dụng ở 77 khu vực khác nhau của Liên bang Nga. Ví dụ, từ ngày 1/12 tới, tại vùng Khabarovsk, không có mã QR thì không được đến các nhà ga, sân bay, các trung tâm mua sắm lớn. Mikhail Poluboyarinov, lãnh đạo Hãng hàng không Aeroflot, trước đó ủng hộ yêu cầu xuất trình mã QR xác nhận hành khách phải có thẻ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trước khi lên máy bay (nhưng điều này không áp dụng khi mua vé).

Ngành đường sắt tuyên bố họ đã sẵn sàng về mặt công nghệ để triển khai thực hiện việc kiểm soát mã QR trong vận tải đường sắt.

Tại các khu vực, tâm lý phản đối tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn tiếp diễn. Các phương tiện truyền thông địa phương liên tục đưa tin về việc cư dân phản đối kiểm tra bắt buộc mã QR ở địa điểm công cộng.

Khoảng 30 cư dân của vùng Naberezhnye Chelny đã ghi một đoạn video để gửi Tổng thống Putin đề nghị không luật hóa việc kiểm tra mã QR. Một nhóm người ở Volgograd cũng khẳng định quy định kiểm tra bắt buộc đối với mã QR là vi phạm các quyền hiến định của công dân.

Trong một tin nhắn video gửi Tổng thống, nhóm người này nói rằng họ không phản đối tiêm chủng nhưng phản đối sự ép buộc. Một nhóm người khác ở Rostov-na-Donu cũng lên tiếng phản đối việc bắt buộc tiêm chủng và yêu cầu bãi bỏ các hạn chế đối với người chưa được tiêm chủng.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Ria Novosti công bố ngày 11/11 cho thấy gần 70% số người được hỏi ý kiến phản đối áp dụng kiểm tra bắt buộc mã QR./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục