Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 9h15 ngày 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.346.566 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 74.697 ca tử vong, và 278.695 bệnh nhân đã bình phục.
[Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam sáng 7/4]
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Châu Á
Trong thông báo sáng 7/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết quốc gia khởi nguồn của dịch COVID-19 này ngày 6/4 không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19 và đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019, nước này không ghi nhận ca tử vong nào trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục xác nhận thêm 32 ca mắc mới đều là các ca nhập cảnh vào nước này, theo đó nâng tổng số ca mắc từ nước ngoài về lên 983 ca.
Tính đến hết ngày 6/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 81.740 ca mắc, trong đó 3.331 ca tử vong. Thêm 89 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện cùng ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi bệnh tại đây lên 77.167 người.
Châu Âu
Italy - ổ dịch nghiêm trọng nhất - ghi nhận tổng cộng 32.547 ca mắc, trong đó 16.523 ca tử vong và 22.837 bệnh nhân đã hồi phục.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 6/4 xác nhận thêm 3.599 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, và đây là số ca mắc mới thấp nhất kể từ ngày 17/3, qua đó làm dấy lên những hy vọng về việc đại dịch COVID-19 ở quốc gia Nam Âu này sẽ giảm nhẹ nhờ lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc được thực thi từ ngày 9/3.
Cơ quan trên cũng ghi nhận thêm 636 ca tử vong ở Italy, cao hơn so với 525 ca được thống kê trong ngày 5/4.
Tây Ban Nha có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy, song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2/4 vừa qua.
Ngày 6/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trong 24 giờ qua, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 637 ca. Tính đến 8h ngày 7/4, Tây Ban Nha ghi nhận 13.341 ca tử vong trong số 136.675 ca mắc.
[Số ca tử vong ở châu Âu do COVID-19 vượt mốc 50.000 người]
Pháp ghi nhận thêm 833 ca trong 24 giờ qua. Như vậy kể từ đầu tháng 3, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 8.911 người, trong đó 6.494 ca trong bệnh viện và 2.417 tại các nhà dưỡng lão.
Số bệnh nhân nhiễm virus được xác nhận qua xét nghiệm lên đến là 98.010 người, trong đó có 29.752 người phải nhập viện (tăng 831 trong 24 giờ). Số bệnh nhân nặng được chăm sóc đặc biệt là 7.072 (tăng 478 ca) ; 17.250 người đã khỏi bệnh và ra viện (tăng 1.000 ca).
Bộ Y tế Anh thông báo nước này đã phát hiện 51.608 ca dương tính với virus, trong đó 5.373 ca tử vong.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Boris Johnson đang được điều trị đặc biệt tại bệnh viện do diễn biến xấu. Tuyên bố của Phố Downing nêu rõ: “Kể từ đêm 5/4, Thủ tướng đã được các bác sỹ của Bệnh viện St Thomas ở thành phố London chăm sóc, sau khi trải qua những triệu chứng dai dẳng của virus corona chủng mới… Trong chiều nay, tình trạng của Thủ tướng đã xấu đi và ông đã được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực theo lời khuyên từ đội ngũ y tế.”.
Thủ tướng đã yêu cầu Ngoại trưởng Dominic Raab, người giữ cương vị Bộ trưởng đứng đầu nội các, thay ông xử lý công việc trong những trường hợp cần thiết.”
Trong khi đó, Đức ghi nhận tốc độ lây lan của virus giảm rõ rệt trong ngày đầu tuần và con số lây nhiễm hằng ngày đã không còn ở mức cao như vài ngày trước, đặc biệt như trong tháng 3.
Cụ thể, số ca lây nhiễm mới ở Đức ghi nhận trong ngày 6/4 bất ngờ giảm xuống còn dưới 2.000 người. Hiện số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên toàn nước Đức ở mức gần 103.400 người, 36.000 ca đã khỏi bệnh và 1.800 ca tử vong.
Theo tính toán, số thời gian để số ca nhiễm tăng gấp đôi, từ mức 2 đến 6 ngày trong hầu hết tháng 3/2020, nay đã tăng lên 13,5 ngày.
Bộ Y tế Ireland cùng ngày 6/4 xác nhận thêm 370 ca dương tính với virus, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 5.364 trường hợp. Cơ quan trên cũng ghi nhận tổng số 174 ca tử vong ở Ireland, tăng 16 trường hợp so với ngày 5/4.
Các số liệu thống kê của Bộ Y tế Ireland cho thấy số ca mắc mới được xác nhận hàng ngày ở nước này luôn ở mức hơn 200 trường hợp trong vòng 15 ngày qua.
Phần Lan thông báo tổng số ca nhiễm được xác nhận ở nước này đã vượt quá 2.000 trường hợp. Theo Viện Y tế và Phúc lợi Quốc gia Phần Lan (THL), quốc gia Bắc Âu này đã ghi nhận thêm 249 ca dương tính với virus, nâng tổng số ca mắc lên 2.167 người, trong đó có 27 ca tử vong và 81 bệnh nhân đang được điều trị đặc biệt.
Trong khi đó, Chính phủ Na Uy khẳng định đã kiểm soát được dịch COVID-19 ở quốc gia Bắc Âu này. Theo chính phủ nước này, tỷ lệ lây truyền virus SARS-CoV-2, con số người nhiễm bệnh mới trên mỗi bệnh nhân, đã giảm xuống mức 0,7 - thấp hơn so với tỷ lệ 2,5 khi các biện pháp ngăn chặn như đóng cửa các địa điểm công cộng, cấm các sự kiện thể thao và văn hóa được triển khai hồi giữa tháng 3.
Đến nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 5.865 ca mắc, trong đó có 76 ca tử vong.
Châu Mỹ
Hiện Mỹ có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong nhất, cùng với Tây Ban Nha và Italy. Tổng số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới 10.868 người. Số ca tử vong tại nước này tiếp tục tăng cao.
Chỉ trong 1 tuần qua, số ca tử vong ở Mỹ tăng bình quân từ 500 ca lên hơn 1.000 ca/ngày. Ngày 6/4, một nhân viên điều tra Mỹ xác nhận, 1 trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đã tử vong do SARS-CoV-2 tại Giáo xứ East Baton Rouge, bang Louisiana.
Tại bang New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa “ổ dịch” COVID-19 ở Mỹ tới gần hết tháng 4. Ông Cuomo cho biết, số người tử vong ở New York trong 24h qua là 599 người, chỉ tăng 5 ca so với ngày trước đó, và đây là ngày thứ hai số ca tử vong ở tiểu bang này không tăng.
Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo cũng cảnh báo tiểu bang vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp, và chưa thể dự báo chính xác về thời gian của đỉnh dịch, đồng thời kêu gọi người dân New York tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Tổng số ca tử vong tại bang New York tính đến ngày 6/4 là 4.758 người, tổng số bệnh nhân là 130.689 người, trong đó riêng thành phố New York đã có 72.181 trường hợp mắc COVID-19 với 2.475 ca tử vong.
Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc tăng thêm 296, nâng tổng số người mắc bệnh lên 2.439 người, trong đó có 125 trường hợp tử vong, tăng 31 người, và 6.295 người nghi ngờ nhiễm bệnh.
Bộ này cảnh báo dịch bệnh sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) ở Mexico trong vòng 3 tuần tới. Cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 tại các quốc gia Trung Mỹ gồm Panama, Honduras, Guatemala và El Salvador đã tăng lên 2.547 người, trong đó có có 84 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ các quốc gia này đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tốc độ lây lan như cách ly toàn quốc tại Panama, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội tại Honduras, Guatemala và El Salvador.
Châu Phi
Ngày 5/4, Nam Phi - nước có số ca mắc cao nhất khu vực - ghi nhận tổng cộng 1.686 ca mắc, trong đó có 12 ca tử vong sau 1 tháng quốc gia này công bố ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Nhà chức trách Algeria cho biết tính đến chiều 6/4 theo giờ địa phương, Algeria ghi nhận thêm 103 số ca nhiễm mới và 21 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này là 1.1423 người và 173 ca tử vong.
Hiện Algeria xếp thứ 2 ở châu Phi về tổng số ca mắc, chỉ sau Nam Phi, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Phi, với tỷ lệ trên 12% (173 ca tử vong/1.423 người nhiễm bệnh).
Hiện tốp 5 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại châu Phi theo thứ tự gồm Nam Phi, Algeria, Ai Cập, Maroc và Tunisia.
Bộ Y tế Ai Cập xác nhận thêm 149 ca nhiễm, đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày ở quốc gia Bắc Phi này. Đến nay, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 1.322 ca mắc COVID-19, trong đó có 85 bệnh nhân tử vong.
Theo bộ trên, tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều là công dân Ai Cập, trở về từ nước ngoài hoặc từng tiếp xúc với các bệnh nhân trước đó được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2./.