Dịch COVID-19 trên thế giới: Gần 637.000 bệnh nhân đã phục hồi

Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, Nga đã rơi vào nhóm 10 nước có số mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới, khi nước này ghi nhận 47.121 dương tính với SARS-COV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga ngày 17/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ 30 phút ngày 20/4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 2.428.314 ca, trong đó có 166.126 ca tử vong.

Dịch bệnh hiện đã lây lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 636.962 người.

Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với 765.613 ca nhiễm và 40.620 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 200.210 ca nhiễm và 20,852 ca tử vong, Italy với 178.972 ca nhiễm và 23.660 ca tử vong.

Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế thông báo trong ngày hôm nay tiếp tục không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh COVID-19. Như vậy, hiện nay, Việt Nam còn 54 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế.

Nga rơi vào nhóm 10 nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới

Theo báo Gazeta.ru ngày 20/4, Nga đã rơi vào nhóm 10 nước có số mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới, khi nước này ghi nhận tổng cộng 47.121 trường hợp dương tính với virus SARS-COV-2.

Nga đứng cuối danh sách top 10 này với 47.121 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó riêng ngày 20/4 đã ghi nhận thêm 4.268 ca nhiễm SARS-COV-2 tại 76 chủ thể liên bang.

Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Liên bang Nga, con số này đã giảm bớt so với 6.060 trường hợp mới ghi nhận một ngày trước đó.

Điều đáng chú ý là số ca tử vong do COVID-19 ở Nga khá thấp (dưới 1%) so với mức trung bình trên thế giới.

Dịch COVID-19 tại Ấn Độ dự báo đạt đỉnh trong tháng tháng Năm

Trang mạng The Economic Times ngày 20/4 đưa tin dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Ấn Độ có thể đạt đỉnh vào đầu hoặc trung tuần tháng Năm.

Người dân đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19 tại Channai, Ấn Độ. (Nguồn: AFP)

Dẫn kết quả nghiên cứu do Công ty tư vấn toàn cầu Protiviti và Times Network thực hiện, The Economic Times cho biết số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Ấn Độ sẽ dao động trong khoảng từ 30.000-286.000 trong trường hợp tồi tệ nhất. Khoảng 30% người bệnh sẽ cần điều trị chuyên sâu.

Báo cáo ước tính mức độ mà COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến quốc gia, sử dụng các biện pháp thống kê tổng hợp được tính toán dựa trên 3 mô hình dự báo: dựa trên tỷ lệ phần trăm, thời gian và khả năng bị phơi nhiễm (SEIR).

Mô hình SEIR cho thấy đại dịch có thể tiếp tục ở quy mô toàn quốc cho đến cuối tháng Tám.

Một số bang có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu trong khi các bang có số người mắc bệnh cao hơn có thể mất thêm một tháng nữa.

Nghiên cứu trên sử dụng dữ liệu của Chính phủ trung ương, các bản tin của Chính phủ và các cập nhật hàng ngày do Bộ Y tế cung cấp mà không sử dụng nguồn chưa được xác minh.

CEO của Times Network MK Anand cho biết với tư cách là nhân tố có ảnh hưởng và đưa ra quan điểm quan trọng đối với Ấn Độ, Times Network tin tưởng và chịu trách nhiệm với thông tin chất lượng cao để kịp thời hỗ trợ quá trình xử lý dịch bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 8 bang và 3 điểm nóng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cùng với dữ liệu từ khắp Ấn Độ trong gần 50 ngày để dự đoán diễn tiến của bệnh.

Anh nỗ lực ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ 2

Reuters đưa tin ngày 20/4, một người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này cần chắc chắn rằng bất cứ việc dỡ bỏ hay nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội không dẫn đến làn sóng thứ hai bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh, ngày 18/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn này cho rằng, lo ngại lớn là một đỉnh dịch thứ 2, đó sẽ là sự tổn hại lớn nhất đối với sức khỏe người dân và nền kinh tế Anh.

Quan chức này nói: "Nếu bạn di chuyển quá nhanh thì SARS-CoV-2 có thể bắt đầu lại lây lan theo cấp số nhân. Những gì chúng ta cần chắc chắn là việc này sẽ không dẫn đến việc virus này bắt đầu lây lan theo cấp số nhân"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục