Dịch COVID-19 trên thế giới: Đã có trên 2,4 triệu người mắc bệnh

Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 6h ngày 20/4, đã có 2.404.234 người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, với 164.891 người tử vong.
Cảnh vắng vẻ tại nhà ga Waterloo ở London, Anh ngày 16/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 6h ngày 20/4, đã có 2.404.234 người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 164.891 người. Trong khi đó, tổng cộng 624,713 người đã bình phục và xuất viện.

Châu Âu: Còn quá sớm để nói Anh đã qua đỉnh dịch

Chiều 19/4 (giờ địa phương), Phó Giám đốc Cơ quan Y tế của Anh Jenny Harries cho rằng còn quá sớm để nói rằng Anh đã qua đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song đã có những dấu hiệu cải thiện.

Phát biểu với báo giới, bà Harries nói: "Không khách quan khi nói rằng chúng ta đã qua đỉnh dịch, song tôi nghĩ nhiều điều có vẻ đang đi đúng hướng."

Bà Harries lưu ý người dân không nên vội vàng có những kết luận tích cực dựa vào số người tử vong trong ngày 19/4, khi đây là ngày có số ca tử vong mới do COVID-19 thấp nhất trong gần 2 tuần qua, trong bối cảnh những con số cập nhật vào cuối tuần thường cho thấy số người chết giảm.

Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến hết ngày 18/4 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 596 ca tử vong, mức gia tăng thấp nhất trong gần 2 tuần qua và nâng tổng số bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 lên 16.060 người.

Anh đã ghi nhận tổng cộng 120.067 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 5.850 ca trong vòng 24 giờ qua.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Paris, chiều 19/4 (giờ địa phương), Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh rằng nước này vẫn đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế tàn khốc.

Đây không phải là đại dịch đầu tiên mà Pháp đã trải qua, song dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có quy mô chưa từng được biết đến trong lịch sử hiện đại.

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định cuộc khủng hoảng y tế này "chưa kết thúc." Tuy vậy, tình hình đang cải thiện dần, chậm mà chắc.

Bên cạnh đó, ông Philippe cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế "chỉ mới bắt đầu" và "sẽ rất tàn khốc." Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có một sự ngưng trệ kinh tế lớn như vậy, rộng như vậy và tàn khốc như vậy.

Không đề cập đến các chi tiết về kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Thủ tướng Philippe nhấn mạnh với người dân Pháp rằng cuộc sống sau ngày 11/5 sẽ chưa thể ngay lập tức trở về nhịp điệu bình thường như trước.

Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, tính đến 19/4, Pháp ghi nhận 19.718 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, bao gồm 12.069 ca tại bệnh viện (+227 trong 24 giờ) và 7.649 tại các và cơ sở y tế xã hội khác.

Hiện 30.610 người đang nằm viện (-29), trong đó 5.744 trường hợp nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt, giảm 89 bệnh nhân so với hôm trước và tiếp tục đà giảm từ 11 ngày nay.

Trong nỗ lực bảo vệ những người có nguy cơ nhất, Pháp tăng cường thực hiện xét nghiệm tại các nhà dưỡng lão, với 50.000 lượt trong tuần qua. Từ nay đến cuối tháng 6, các bệnh viện tại Pháp không chỉ được trang bị 15.000 máy thở hồi sức tích cực, mà còn có 15.000 máy hỗ trợ thở khác.

Trong một diễn biến khác, tòa thị chính Paris thông báo đã phát hiện những "dấu vết" của virus SARS-CoV-2 trong hệ thống nước rửa đường phố thủ đô.

Phòng thí nghiệm của Cơ quan quản lý nước Paris đã tìm thấy sự hiện diện của virus corona mới ở 4 trong số 27 điểm lấy mẫu thử nghiệm.

Tòa thị chính ngay lập tức việc đình chỉ sử dụng hệ thống nước không uống được này, như một phần của "nguyên tắc phòng ngừa."

Chính quyền thành phố cũng khẳng định nước sạch cung cấp cho người dân được xử lý bằng một hệ thống "hoàn toàn độc lập," "không có bất cứ dấu vết nào của virus corona" và hoàn toàn "được tiêu thụ mà không có bất kỳ rủi ro nào."

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố trong ngày 19/4, nước này ghi nhận thêm 3.047 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 178.972 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong là 23.660 trường hợp (tăng 433 ca). Số ca hồi phục là 47.055 ca (tăng 2.128 ca).

Tổng số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực là 2.635 trường hợp (giảm 98). Ngoài ra, Italy hiện có 25.033 ca nhập viện và 80.589 ca cách ly tại nơi ở.

Trung Đông: Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua Trung Quốc

Ngày 19/4, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết, tổng số ca nhiễm  virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này hiện đã lên đến 86.306 trường hợp.

Như vậy, tính đến nay Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất ngoài châu Âu và Mỹ.

[Số ca tử vong tại Mỹ vượt mốc 40.000, New York tuyên bố qua đỉnh dịch]

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong 24h giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện thêm 3.977 ca nhiễm mới và đã vượt qua Trung Quốc trong bảng thống kê các quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài ra, theo Bộ trường Koca, cùng ngày cũng ghi nhận thêm 127 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên 2.017 người. Trong khi đó, đến nay cũng đã có 11.976 người mắc COVID-19 khỏi bệnh và trong 24 h qua đã có 35.344 người ở Thổ Nhĩ Kỳ được xét nghiệm.

Cùng ngày, Bộ Y tế Qatar thông báo nước này cũng phát hiện thêm 440 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Vùng Vịnh lên tới 5.448 trường hợp. Tại Qatar, đến nay mới có 8 trường hợp tử vong do COVID-19 trong khi số người được xét nghiệm là 62.538.

Trong khi đó, Oman cũng ghi nhận thêm 86 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 1.266. Theo Bộ Y tế Oman, trong số 86 trường hợp nhiễm mới, có 15 người Oman, và tất cả các ca nhiễm mới phát hiện này đều liên quan tới hoạt động tiếp xúc trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Oman tiếp tục kêu gọi người dân theo dõi và thực hiện các hướng dẫn về cách ly, không tới các địa điểm công cộng và cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh.

Cũng trong ngày 19/4, Bộ Y tế Iraq cũng xác nhận về 26 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên 1.539 người. Ngoài ra, tại Iraq đến nay đã có 82 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong khi số trường hợp khỏi bệnh là 1.009 người. 

Còn Syria cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1 ca mắc mới và 1 người tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Syria, tổng số ca mắc COVID-19 hiện là 39, trong đó có 5 người đã khỏi bệnh và 3 trường hợp tử vong. Syria hiện bố trí 19 trung tâm cách ly và 14 cơ sở y tế để tiếp nhận hoặc điều trị cho các trường hợp nghi mắc COVID-19 ở nước này.

Trước đó, bộ trên cho hay đã có 2.115 người Syria đi cách ly tại các cơ sở y tế kể từ tháng 2 đến nay.

Trong khi đó, Jordan cũng ghi nhận tổng cộng 417 trường hợp mắc COVID-19  sau khi phát hiện thêm 4 ca nhiễm mới.

Theo Bộ trưởng Y tế Jordan Saad Jaber, nước này hiện đang sản xuất khoảng 150.000 khẩu trang/ngày và sẽ đạt hơn 1 triệu chiếc trong khoảng 10 ngày tới.

Còn Bộ trưởng Tài chính Jordan Mohammad Al Ississ cho hay, nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song Jordan sẽ là một trong những nước đầu tiên phục hồi sau đại dịch nhờ vào những biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ mà nước này đã triển khai thực hiện kể từ khi dịch bùng phát.

Châu Phi: Ba quan chức cấp cao Guinea tử vong do dịch

Ngày 19/4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Phi (ACDC) cho biết số ca dương tính với chủng mới của virus corona (COVID-19) tại châu lục này đã tăng từ 20.270 lên 21.317. Số trường hợp tử vong cũng ở mức 1.080 người, từ con số 1.025 trước đó 1 ngày, trong khi khoảng 5.200 người mắc COVID-19 đã được điều trị bình phục. 

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Cairo, Ai Cập ngày 31/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN thường trú tại châu Phi dẫn thống kê của ACDC cho hay dịch COVID-19 đang nhanh chóng lan rộng trên khắp châu lục. Đến thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở 52/55 nước thành viên của châu Phi, trong đó Nam Phi, Ai Cập, Maroc và Algeria là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Bắc Phi là khu vực ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất. Trong bối cảnh đó, một loạt các quốc gia tại khu vực này đã quyết định kéo dài thêm thời hạn giới nhiêm, cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa để hạn chế hơn nữa sự lây lan của dịch bệnh.

Ông John Nkengasong, Giám đốc ACDC cho rằng, dù các biện pháp giới nghiêm, hạn chế đi lại, tiếp xúc, đóng cửa biên giới… có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, song lại là cách thức tốt nhất để cứu sống nhiều người, ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng và tiến tới chấm dứt dịch bệnh. Các quốc gia cần tăng cường thực hiện biện pháp này.

Chính phủ Guinea ngày 19/4 cho biết, trong 72 giờ qua, quốc gia Tây Phi này đã ghi nhận 3 quan chức cấp cao, gồm một bộ trưởng, đã tử vong vì các biến chứng do dịch COVID-19.

Theo đó, 3 quan chức qua đời gồm Chủ tịch Ủy ban bầu cử độc lập quốc gia (CENI), cựu giám đốc Interpol tại Guinea, và Bộ trưởng - Tổng thư ký Chính phủ.

Trong lời chia buồn gửi đến các gia đình có thân nhân qua đời cũng như đến toàn thể quốc gia, chính phủ Guinea cũng nhắc nhở người dân tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn và biện pháp y tế, để tránh lây nhiễm và lây lan virus SARS-CoV-2. Tuyên bố nhấn mạnh chỉ có "kỷ luật, thống nhất và đoàn kết," người dân Guinea mới vượt qua được đại dịch.

Cũng trong ngày 19/4, Thủ tướng Tunisia Elyes Fakhfakh tuyên bố lệnh phong tỏa toàn phần trên toàn quốc nhằm chống sjw lây lan của dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến ngày 3/5.

Phát biểu trên truyền hình trung ương Tunisia, Thủ tướng Fakhfakh cũng cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được điều chỉnh giảm 2 giờ, từ 20h00 tối đến 6h00 sáng thay vì 18h00 tối đến 6h00 sáng như trước đây. Theo ông, việc thay đổi thời gian giới nghiêm đã được quyết định do ảnh hưởng của tháng Ramadan, thường bắt đầu từ 19h hàng ngày.

Trước đó, lệnh giới nghiêm tại Tunisia đã có hiệu lực kể từ ngày 18/3 và việc phong tỏa toàn phần được áp dụng chính thức vào ngày 22/3.

Còn tại Ai Cập, theo Bộ Y tế, nước này cùng ngày cũng phát hiện thêm 112 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 15 trường hợp tử vong do COVID-19. Hiện Ai Cập đã có tổng cộng 3.144 người mắc COVID-19 và 239 người tử vong do dịch bệnh này. Ngoài ra, đến nay cũng đã đó 732 người mắc COVID-19 ở Ai Cập khỏi bệnh.

Châu Mỹ: Mỹ, Canada thận trọng về dỡ bỏ hạn chế

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu với báo giới ngày 19/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định nước này đã có những bước tiến trong cuộc chiến với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng Canada cần vô cùng cẩn trọng khi cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, cũng như các biện pháp hạn chế khác. 

Một số khu vực tại Canada đã ghi nhận số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 có xu hướng giảm so với mức đỉnh, trong khi một số tỉnh bang trong nhiều ngày không có ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của liên bang cho rằng cần phải nhìn nhận những thông tin trên theo quan điểm “lạc quan một cách thận trọng”, như khuyến cáo mới đây của người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam.

Chính phủ Canada muốn các chỉ số chính (về dịch bệnh) phải giảm trong một thời gian dài hơn trước khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Thủ tướng Trudeau nói ông không muốn thấy một khu vực nào đó của Canada nới lỏng quá nhiều các biện pháp hạn chế khiến số ca nhiễm virus tăng mạnh, đẩy hệ thống chăm sóc y tế của khu vực rơi vào tình trạng rủi ro. 

Trên trang web của Chính phủ Canada cập nhật lúc 11h ngày 19/4 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 33.922 ca, trong đó có 1.506 trường hợp tử vong.

Còn tại Mỹ, ngày 19/4, theo kết quả thăm dò dư luận do Wall Street Journal/NBC thực hiện, đa phần người dân Mỹ đã bày tỏ lo ngại việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm sẽ khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh hơn.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, kết quả thăm dò cho thấy 6 trong 10 người dân tham gia thăm dò cho biết họ lo ngại Mỹ sẽ thực hiện quá nhanh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong khi đó chỉ có 3 người cho rằng mối lo ngại lớn hơn là tác động đối với nền kinh tế khi phải đóng cửa quá lâu.

Trong cuộc thăm dò, 70% người ủng hộ đảng Dân chủ bày tỏ lo ngại đối với việc mở cửa nền kinh tế quá sớm so với tỷ lệ 39% đảng Cộng hòa. Ngược lại, 48% người theo đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ sẽ mất quá nhiều thời gian khi ngừng các hoạt động kinh tế so với 19% của đảng Dân chủ.

Kết quả cuộc thăm dò được đưa ra trong bối cảnh một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại một loạt bang của Mỹ, kêu gọi chính quyền địa phương dỡ bỏ lệnh đóng cửa doanh nghiệp và khu vực công cộng càng sớm càng tốt do cho rằng họ đang phải gánh chịu những hậu quả do việc đóng cửa nền kinh tế./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục