Dịch COVID-19: Thủ tướng Singapore tiêm liều vắcxin đầu tiên

Trong một bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chia sẻ video ghi lại hình ảnh ông được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cùng với một số quan chức hàng đầu nước này tại một bệnh viện địa phương.
Singapore là quốc gia châu Á đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer. Ảnh: Reuters.

Ngày 8/1, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận được mũi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên tại nước này, đồng thời hối thúc người dân có động thái tương tự.

Trong một bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Lý Hiển Long đã chia sẻ video ghi lại hình ảnh ông được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại một bệnh viện địa phương. Cùng với Thủ tướng Lý Hiển Long,  một số quan chức y tế hàng đầu nước này cũng tham gia tiêm chủng lần này. Ông Lý Hiển Long khẳng định tin tưởng vắcxin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả.

Singapore được xem là một trong số những quốc gia trên thế giới kiểm soát tốt dịch bệnh và chỉ ghi nhận một vài ca lây nhiễm trong cộng đồng trong những tháng gần đây. Thủ tướng Singapore cho biết việc tiêm chủng là tự nguyện, nhưng hy vọng người dân nước này tham gia chủng ngừa khi đến lượt. Ông cho biết ông đã được giám sát trong vòng 30 phút sau khi tiêm nhằm đề phòng phản ứng phụ và ông cảm thấy khỏe mạnh.

Cho tới nay, Singapore mới cấp phép sử dụng đối với vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, song nước này đã ký hợp đồng với nhiều hãng dược phẩm khác như Moderna và Sinovac nhằm đảm bảo đủ liều vắcxin cho 5,7 triệu người dân.

"Đảo quốc sư tử" này đã bắt đầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế từ cuối tháng 12/2020. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết việc tiêm vắcxin mở rộng đối với các nhân viên tại trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ được khởi động từ ngày 8/1, tiếp đến là những người cao tuổi vào tháng 2 tới.

Trong khi đó, một nghiên cứu do hãng dược phẩm Pfizer và các nhà khoa học thuộc Đại học Texas Medical Branch hợp tác,  cho thấy vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech dường như hiệu quả trong việc chống lại đột biến của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu này, vắcxin của Pfizer-BioNTech  dường như vô hiệu hóa thành công biến thể có tên N501Y của virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp này.

[Mexico: 110 ca phản ứng mạnh với vắcxin ngừa COVID-19 Pfizer/BioNTech]

Ông Phil Dormitzer, một trong những nhà khoa học hàng đầu về vắcxin của  Pfizer, cho biết đột biến này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự lây nhiễm nhanh hơn, thậm chí có thể kháng lại kháng thể trong vắcxin.

Nghiên cứu trên được thực hiện từ mẫu máu lấy từ những người đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, phát hiện này còn ở mức hạn chế, bởi nó thực hiện đối với toàn bộ các đột biến được tìm thấy ở những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ông Dormitzer cho rằng đây là thông tin tốt khi vắcxin của Pfizer-BioNTech dường như có hiệu quả trong việc chống lại đột biến N501Y, cũng như 15 đột biến khác.

Nhà khoa học này nhấn mạnh hãng Pfizer đã tiến hành thử nghiệm đối với 16 đột biến khác nhau và không có đột biến nào trong số này có phản ứng đáng kể.  Ông Dormitzer cho biết đã một đột biến khác, có tên E484K, được tìm thấy ở biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi, đang gây sự chú ý.

Theo ông, các nhà nghiên cứu có kế hoạch tiến hành các thí nghiệm tương tự để xem liệu vắcxin của Pfizer-BioNTech hiệu quả trong việc chống lại các đột biến khác được tìm thấy ở Anh và Nam Phi hay không.

Ông Simon Clarke, giáo sư về vi trùng học tế bào thuộc Đại học Reading (Anh), cho biết cả hai biến thể được tìm thấy tại Anh và Nam Phi có một số điểm chung mới, riêng biến thể tại Nam Phi có một số đột biến bổ sung bao gồm những biến đổi lớn hơn đối với protein gai của virus SARS-CoV-2. 

Các nhà khoa học cho biết có thể phát triển vắcxin chống lại các biến thế mới của virus SARS-CoV-2 trong vòng 6 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục