Dịch COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh vừa cách ly, vừa sản xuất

Ủy ban Nhân dân TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp lên phương án hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp.
Công nhân Công ty TNHH CCH TOP Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận chờ lầy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch về thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại doanh nghiệp trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Về phương án bố trí làm việc, nơi ở tập trung (nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến tại doanh nghiệp) tại doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

[TP.HCM bổ sung thêm 240 đội tiêm chủng vaccine phòng COVID-19]

Trong số đó, địa điểm bố trí nơi ở tập trung phải đáp ứng các tiêu chí cần thiết cho hoạt động phòng chống dịch, tạo điêu kiện thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tại doanh nghiệp; có quy định (nội quy) nhằm hướng dẫn, kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, có sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động khi thực hiện phương án.

Người lao động tạm trú tập trung tại nơi ở tập trung phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi thực hiện tạm trú tại nơi ở tập trung.

Mặt khác, doanh nghiệp đã ký bản cam kết đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; đã thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, đảm bảo phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ Y tế.

Ủy ban Nhân dân Thành phốHồ Chí Minh cũng lưu ý trước khi thực hiện phương án bố trí nơi ở tập trung tại doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Quản lý sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan gồm cơ quan y tế, công an, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện tiến hành kiểm tra, xem xét các điều kiện thực tế và có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp được bố trí tạm trú tập trung tại doanh nghiệp.

Về điều kiện, tiêu chuẩn của nơi ở tập trung tại doanh nghiệp phải kiểm soát được các lối ra vào; thuận tiện cho việc đưa đón người lao động; có biển báo khu vực lưu trú tập trung-không phận sự miễn vào; điểm khai báo y tế; điểm kiểm dịch tại cổng ra vào; điểm, khu vực cung ứng lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; điểm khử khuẩn phương tiện, hàng hóa và nơi rửa tay với xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay; hệ thống camera giám sát tại cổng, lối ra vào, khu vực công cộng trong nơi lưu trú, kết nối với hệ thống thông tin của cấp xã, huyện để phối hợp giám sát.

Đối với nhà trọ phải đảm bảo thông thoáng, diện tích phòng trọ không nhỏ hơn 5m2/người; có điểm rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí sử dụng chung trong nhà trọ, khu trọ; tốt nhất có công trình vệ sinh khép kín ở mỗi phòng, nếu sử dụng nhà vệ sinh chung thì không quá 12 người/1 nhà vệ sinh...

Đối với nơi ở dã chiến phải tách biệt khỏi các khu vực sản xuất, khu vực nguy hiểm, việc bố trí mặt bằng nơi tạm trú phải có rào chắn xung quanh và phải được đảm bảo ở đầu hướng gió.

Việc ra vào nơi ở dã chiến phải được kiểm soát chặt chẽ về tạm trú và y tế; đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người lao động; đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy...

Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng; trong đó có nhiều trường hợp là công nhân, người lao động làm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố.

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có tới 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, trong đó có 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 280.000 công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài; số công nhân trong khu công nghệ cao là hơn 45.000 người.

Ngoài ra, số công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam lên tới hơn 65.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục