Dịch COVID-19: Tâm lý "xả hơi" không đáng có ở mỗi người Hà Nội

Các chuyên gia y tế từng cảnh báo rằng dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội sẽ bùng phát, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường.
Dịch COVID-19: Tâm lý "xả hơi" không đáng có ở mỗi người Hà Nội ảnh 1Một số bạn trẻ chủ quan bỏ khẩu trang không tuân thủ 5K. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Gần 4.000 ca nhiễm với 33 trường hợp tử vong trong đợt dịch lần thứ tư ở Hà Nội (từ ngày 24/7-19/9) là những con số cho thấy sự khốc liệt của dịch COVID-19 với biến chủng Delta.

Sau nhiều ngày chiến đấu với dịch bệnh, Thủ đô đã giữ được “trái tim” của cả nước bình an để bước sang trạng thái “bình thường mới”, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch,

Nhưng ngay sau khi việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được nới lỏng cũng là lúc tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch xuất hiện.

Nhiều người có ý nghĩ "xả hơi," không tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi công cộng. Điều này có thể khiến cho thành quả chống dịch của thành phố "đổ sông đổ bể."

Bởi trên thực tế dịch vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương lân cận, chỉ cần một hành động bất cẩn cũng có thể dẫn đến hệ quả nặng nề cho Thủ đô.

Từ ngày 14/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động tại chỗ với điều kiện không vượt quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách giữa khách với khách, hoặc có vách ngăn, tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng quét mã QR.

Nhưng trong những ngày cuối tuần mưa rét vừa qua, các quán ăn đêm ở các phố Cửa Bắc, Phó Đức Chính… luôn đông đúc, các nam thanh, nữ tú vô tư ngồi sát nhau, ăn uống cười đùa mà quên giữ khoảng cách.

Khi khách đông, chủ quán chỉ quan tâm đến việc bán sao cho kịp, bỏ qua việc nhắc nhở "thượng đế" giữ khoảng cách. Có chủ quán còn động viên khách: “Không có tấm chắn cũng không sao, các 'anh phường' tạo điều kiện, cứ ngồi ăn đi, khỏi lo.”

Nhiều khách hàng bê cả bàn ghế ra vỉa hè và tự tin nói: “Tiêm 2 mũi rồi lo gì, uống cho bõ những ngày bị giãn cách.”

[Hà Nội ở cấp độ 1 trong phòng, chống dịch COVID-19]

Cùng với những hành động trên, tại một số nơi công cộng, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người không đeo khẩu trang đi lại trên đường phố, nhiều người ra đường không có lý do cần thiết, tụ tập đông trong các quán cafe...

Ở những khu nghỉ dưỡng tại vùng ven đô như Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây khách cũng đã đặt thuê kín các phòng. Phần lớn khách đặt chỗ là thanh niên, hội nhóm tụ tập “hoan hỉ” sau ngày dài “ai ở đâu ở đó.”

Với cách nhìn nhận như vậy, nhiều người dân Hà Nội đang truyền đi lối sống chủ quan trước dịch bệnh, nên dịch bệnh rất dễ tái phát, đặc biệt với những biến chủng mới, nguy cơ lây lan nhanh và khó lường.

Các chuyên gia y tế từng cảnh báo rằng dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có cơ hội sẽ bùng phát, chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường cho thành phố.

Quả thật như vậy, việc những ngày gần đây Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp F0 trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương cho thấy nguy cơ dịch bùng phát dịch trở lại.

Đơn cử, ngày 16/10, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp F0 từ các vùng dịch về; ngày 17/10, tiếp tục phát hiện 5 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hay như tỉnh Phú Thọ lân cận với Hà Nội cũng liên tục phát hiện các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Điều này cho thấy, Thủ đô đang ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm để thử thách sự bền vững “bình thường mới” mà Hà Nội đã mất nhiều nguồn lực lực cả về tinh thần, sức lực và kinh tế mới có được.

Việc thành phố nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường mới

Có nghĩa là trong trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, phải nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao như Hà Nội.

Tới đây, với sự mở cửa giao thương, đường bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng tần suất, tăng số người trong mỗi chuyến sẽ mang theo nhiều hành khách từ “ổ dịch chưa lành” ra Hà Nội.

Thêm nữa, để linh hoạt thích ứng với dịch bệnh, ngành giáo dục Hà Nội đang rục rịch cho học sinh trở lại trường học - đây cũng là điều làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Một vấn đề nữa cần đề cập, đó là tại Hà Nội, mặc dù vaccine phòng COVID-19 đã bao phủ ở diện rộng nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm, trong đó có trẻ em...

Cho nên, để không rơi vào "bẫy" dịch bệnh, vấn đề đặt ra lúc này là mỗi người dân không nên chủ quan, tự mãn mà cần dừng ngay tâm lý "xả hơi." Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thành phố cần tăng cường kiểm tra xử phạt các hành vi cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục