Dịch COVID-19: Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế ASEAN

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN trong hợp tác kinh tế là rất lớn và phải tiếp tục tính đến khả năng đảm bảo hợp tác nội khối để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Dịch COVID-19: Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế ASEAN ảnh 1Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Xuân Quảng/Vietnam+)

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, những tác động và hậu quả tiêu cực của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch đã bộc lộ ra nhiều khía cạnh, trước hết là sự đứt gãy nguồn cung của chuỗi cung ứng.

Chính vì vậy, nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN trong hợp tác kinh tế là rất lớn và phải tiếp tục hợp tác nội khối để phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN.

Để hiểu rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có một số trao đổi với phóng viên về những giải pháp trong hợp tác kinh tế giữa các nước ASEAN trong bối cảnh mới.

- Thưa Bộ trưởng, từ đầu năm đến nay, kinh tế khu vực ASEAN và Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động vì tác động của dịch COVID-19. Vậy Việt Nam đã phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 như thế nào trong kênh kinh tế?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 2020 là năm rất đặc biệt của Việt Nam khi chúng ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế, thương mại cũng như đời sống của nhân dân, gây ra những xáo trộn, cản trở rất lớn cho giao thương cũng như hoạt động hợp tác ở các cấp độ. 

[Xuất khẩu giảm mạnh trong tháng Tư do ảnh hưởng của dịch COVID-19]

Chính vì vậy, ngoài các sáng kiến quan trọng khác của năm Chủ tịch ASEAN 2020 và những nội dung đã đưa vào chương trình nghị sự, đã xuất hiện những yêu cầu mới. Chúng ta đã phải điều chỉnh kế hoạch để có thích ứng phù hợp với vai trò của tịch ASEAN.

Trong kênh kinh tế, Việt Nam đã xác định các mục tiêu rất quan trọng. Trước hết là tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2020 đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra vào ngày 14/2 về việc tăng cường hợp tác và đoàn kết giữa các nước ASEAN trong việc ứng phó COVID-19.

Bên cạnh đó, sáng kiến tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, sáng kiến Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Nhật Bản và mới đây nhất là Hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3 đều hướng tới những mục tiêu thiết thực lúc này là ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nền kinh tế khu vực ASEAN, ASEAN và các đối tác.

Đối với ASEAN, những tác động và hậu quả tiêu cực của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch đã bộc lộ ra nhiều khía cạnh. Trước hết là sự đứt gãy nguồn cung của chuỗi cung ứng mà các nước ÁEAN; trong đó có Việt Nam tham gia trong dòng chảy thương mại khu vực và toàn cầu, dẫn đến sự đình trệ của các ngành công nghiệp. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động rất nghiêm trọng.

Về thị trường, ngay trong quý 1, dịch bệnh xuất hiện nhanh và mạnh tại các nước là các thị trường lớn của Việt Nam, cũng là thị trường trung tâm của các nước ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… khiến hoạt động xuất khẩu với các đối tác này đều bị sụt giảm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN trong hợp tác kinh tế là rất lớn, rất đa dạng và phải tiếp tục tính đến khả năng đảm bảo an ninh lương thực, hợp tác nội khối để đảm bảo đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN.

Dịch COVID-19: Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế ASEAN ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đang trao đổi với báo chí. (Ảnh: Vietnam+)

- Bộ trưởng với vai trò là Chủ tịch các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả quan trọng của cuộc điện đàm?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong cuộc điện đàm, hai bên đã trao đổi về kế hoạch phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng khu vực sau đại dịch COVID-19, triển khai chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về ứng phó với dịch COVID-19.

Cụ thể, hai bên đã thảo thuận để chuẩn bị cho việc triển khai các sáng kiến chung của Bộ trưởng kinh tế ASEAN, ASEAN với Nhật Bản cũng như sáng kiến chung của ASEAN vừa được tuyên bố về ứng phó dịch COVID-19. Bên cạnh đó, hai bên cũng bàn đến sáng kiến chung của Bộ trưởng kinh tế ASEAN với Bộ trưởng kinh tế các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm ứng phó với COVID-19, khôi phục lại hoạt động kinh tế thương mại.

Hai bên cũng thống nhất phải xây dựng một chương trình hành động cụ thể; trong đó căn cứ vào bối cảnh tình hình diễn biến cụ thể của các nước ASEAN và các đối tác để dự báo tình huống, từ đó cụ thể hóa các kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực thương mại, đầu tư, đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi cụ thể về nỗ lực ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 tại Hà Nội.

Mặt khác, các thành viên cần nỗ lực thúc đẩy các đối tác của ASEAN thống nhất kế hoạch hành động, lồng ghép sáng kiến chung trong nhiều kênh, nhiều lĩnh vực, tránh chồng lấn vai của các kênh, hướng tới việc khôi phục và phát triển hiệu quả nền kinh tế trong trạng thái mới. Đây là điều rất quan trọng, đòi hỏi linh hoạt cũng như sự quyết tâm cũng như nỗ lực rất lớn của chính phủ các nước.

- Với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nền kinh tế trong nước khu vực, chúng ta cần làm gì để ổn định và phát triển kinh tế trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Một trong những thông điệp được hai bên chia sẻ là để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 6 tới đây, cụ thể Việt Nam phải thể hiện rõ cam kết, mục tiêu theo hướng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Vì vậy, đối với Việt Nam, bằng những nỗ lực của Chính phủ và phối hợp chung với các nước ASEAN, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng cần được quan tâm hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Theo đó, cần xem xét để có những hỗ trợ cần thiết kể cả nguồn lực và cơ chế chính sách trong khung khổ của Luật pháp quốc tế và các quy tắc chung của WTO, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh của thị trường và không phân biệt đối xử để giúp các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN có điều kiện vượt qua khó khăn và khôi phục được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ưu tiên trước mắt là tiếp tục rà soát lại các khung khổ pháp luật về môi trường đầu, sản xuất kinh doanh để tiếp tục minh bạch hóa và thuận lợi hóa những thủ tục liên quan đến tiếp cận thị trường và các hoạt động liên quan đến đầu tư đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để kết nối và liên kết trong các khu vực kinh tế và các quốc gia.

Bằng những nỗ lực mạnh mẽ hơn, các nước ASEAN cũng như với các đối tác cần phối hợp để có những chính sách mới phù hợp hơn, tổ chức chặt chẽ hơn nữa nhằm tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng, đảm bảo khả năng thích ứng hơn, bền vững hơn và có hiệu quả hơn của các nền kinh tế ASEAN đối với nguy cơ mới trong tương lai.

Cuối cùng là tiếp tục các biện pháp khai thông thị trường, trong nước và ngoài nước. Bộ Công Thương đã báo cáo với Chính phủ về các biện pháp tiếp tục khai thông thị trường trong nước, thậm chí có kế hoạch kích cầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trước mắt là khôi phục sản xuất, từng bước tháo gỡ khó khăn để phát triển thị trường ngoài nước đặc biệt là các thị trường trọng điểm.

Đây không những là biện pháp hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn bắt tay cụ thể thực hiện cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục