Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người tại Mỹ, trong số hơn 24,1 triệu ca mắc bệnh.
Con số thống kê trên được công bố ngay trước thềm lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden - người cam kết đặt cuộc chiến chống COVID-19 làm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Nhà Trắng.
Theo báo cáo do Đại học Johns Hopkins (có trụ sở tại Baltimore, Mỹ) công bố tối 19/1, cột mốc tăm tối trên được ghi nhận chỉ một tháng sau khi nước này có ca tử vong thứ 300.000, và gần một năm kể từ khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan virus SARS-CoV-2 hồi cuối tháng 2/2020.
Hiện Mỹ đang có số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao nhất toàn cầu, mặc dù nếu xét trên tỉ lệ dân số thì Mỹ vẫn đứng sau nhiều quốc gia khác như Italy hay Anh hoặc Bỉ.
Báo cáo của Đại học Johns Hopkins cho thấy sau khi ca tử vong do COVID-19 đầu tiên ở Mỹ được xác nhận vào tháng 2/2020, nước này chỉ mất 3 tháng để vượt qua mốc 100.000 ca tử vong, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh đầu tiên với tâm dịch là New York.
Bốn tháng sau đó, số ca tử vong ở Mỹ là 200.000 người và 3 tháng tiếp theo, con số này chạm mốc 300.000. Số ca nhiễm đặc biệt tăng nhanh trên khắp nước Mỹ trong bối cảnh đang là mùa Đông và có nhiều hoạt động nghỉ lễ tiễn năm cũ, đón mừng năm mới của người dân.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng, khoảng 2,5 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 12,6% tổng số bệnh nhân tại nước này.
Trong tuần kết thúc vào ngày 14/1, Mỹ ghi nhận hơn 211.000 trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19 - con số thống kê theo tuần cao nhất kể từ khi đại dịch này xuất hiện tại đây.
Theo một cuộc khảo sát do báo Washington Post và đài NBC phối hợp thực hiện, có tới 50% số người Mỹ được hỏi cho rằng không thể kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
[Đã có hơn 2 triệu người trên thế giới tử vong vì COVID-19]
Công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 đã được triển khai tại Mỹ từ giữa tháng 12/2020, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 3% dân số, tức khoảng 10,5 triệu người đã được tiêm một trong hai loại vắcxin được nước này cấp phép là vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna, trong đó 1,6 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại Mỹ, với mục tiêu với tiêm cho người dân 100 triệu liều vắcxin trong 100 ngày đầu tiên ông nắm quyền.
Để đạt được mục tiêu này, ông Biden sẽ thúc đẩy thiết lập các trung tâm tiêm chủng mới, chuyển đổi từ các phòng tập thể dục, sân vận động và trường học, và sẽ huy động bổ sung 100.000 nhân viên y tế triển khai công tác này./.