Dịch COVID-19: Số ca nhiễm giảm nhưng Singapore chưa thể lạc quan

Số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Singapore giảm từ 29 ca/ngày trong tuần trước xuống 20 ca/ngày trong tuần qua, tuy nhiên các chuyên gia nước này nhận định vẫn chưa thể lạc quan với con số này.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người lao động nhập cư tại khu ký túc xá Toh Guan, Singapore ngày 8/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Singapore với số ca nhiễm mới trong 5 ngày qua giảm xuống dưới mức 1.000 ca mỗi ngày, đặc biệt là số ca nhiễm trong cộng đồng đã có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia nước này cho rằng vẫn còn quá sớm để lạc quan và con số giảm này chưa phản ánh đúng thực tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong ngày 28/4, nước này đã ghi nhận 528 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong 5 ngày qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 14.951 ca, trong đó 13.842 ca vẫn đang được điều trị và 14 ca tử vong.

Số ca nhiễm trong cộng đồng giảm từ 29 ca/ngày trong tuần trước, xuống 20 ca/ngày trong tuần qua, trong đó số ca không rõ nguồn gốc giảm từ 19 ca/ngày xuống 13 ca/ngày.

Giới nghiên cứu nhận định số liệu những ngày qua cho thấy các biện pháp phong toả tại Singapore, bắt đầu được áp dụng từ ngày 7/4 đã mang lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên xu hướng ca mắc bệnh trong cộng đồng giảm cần phải được duy trì ít nhất là tới hết tuần đầu tháng Năm và số ca nhiễm từ các khu nhà tập thể của lao động nước ngoài vẫn tiếp tục là một thách thức.

Theo Tiến sỹ Leo Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Mount Elizabeht Novena, ông kỳ vọng số ca nhiễm trong cộng đồng sẽ xuống mức dưới 5 ca/ngày trong tuần tới và sau đó sẽ có thể xuống con số 0 trong tuần đầu tháng Năm.

Trong khi đó, giáo sư Wang Linfa thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng chỉ có thể lạc quan khi số ca mắc bệnh liên tục giảm trong từ 1 đến 2 tuần, ít nhất cũng phải tới ngày 10/5.

[Dịch COVID-19 ngày 28/4: Châu Á đề cao cảnh giác trước kỳ nghỉ lễ]

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Hsu Li Yang cũng thuộc trường đại học trên nhận định cần ít nhất một tuần liên tục số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng dưới 10 ca mỗi ngày mới có thể coi là dấu hiệu đang đi đúng hướng.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hiệp hội Logistics Indonesia (ALI) ngày 27/4 cho biết kết quả kinh doanh của các công ty thành viên của hiệp hội này đã sụt giảm hơn 50% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Chủ tịch ALI, ông Zaldy Ilham Masita cho hay sản lượng logistics đã giảm từ 60 đến 70% trên toàn quốc.

Các dịch vụ giao hàng từ doanh nghiệp đến khách hàng (B2C) và khách hàng tới khách hàng (C2C) có tăng trưởng, song mức tăng quá thấp để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong phân khúc doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B).

Tính chung, kết quả kinh doanh của các thành viên ALI sụt giảm tới 50% kể từ khi xuất hiện 2 trường hợp dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 hôm 2/3.

Theo ông Zaldy, các phân khúc B2C và C2C tăng trưởng do nhu cầu thực phẩm, hàng dễ hỏng và vật tư y tế tăng 100%.

Trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo (từ ngày 23/4 đến ngày 23/5), khối lượng giao hàng thường tăng 30-50%, nhưng năm nay được dự báo sẽ sụt giảm 40% so với năm ngoái.

Dự báo này được đưa ra dựa vào chi tiêu tiêu dùng thấp do tình trạng sa thải lao động và cắt giảm tiền thưởng trong các ngày lễ.

Cũng theo ông Zaldy, lĩnh vực logistics của Indonesia sẽ hồi phục trong quý 1/2021. Vào thời điểm đó, các công ty logistics sẽ đẩy mạnh số hóa các hoạt động và mở rộng các dịch vụ nhằm phục vụ cho nhiều khách hàng B2C hơn.

Về phần mình, Chủ tịch công ty Chuỗi cung ứng Indonesia (SCI) Setijadi cho biết chi tiêu cho các dịch vụ hàng hóa cấp ba như ôtô, đồ điện tử và thời trang sụt giảm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trong khi nhu cầu vận chuyển thuốc men và các sản phẩm y tế có thể tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Trước đó, SCI dự báo rằng lĩnh vực logistics sẽ tăng trưởng khoảng 12,7% trong năm nay và đóng góp 993.900 tỷ rupiah (63,9 tỷ USD) cho GDP.

Tuy nhiên, ông Setijadi cho biết SCI sẽ điều chỉnh dự báo này trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến các hoạt động thương mại và logistics trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục