Dịch COVID-19: Số ca mắc mới và tử vong tại Đông Nam Á đang tăng cao

Các nước ASEAN đã ghi nhận trên 92.000 ca nhiễm mới và gần 2.200 ca tử vong trong ngày 7/8, trong đó Indonesia có thêm 1.588 ca tử vong, Thái Lan có thêm 212 ca.
Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ ngày 27/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 8/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 202.928.963 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.298.662 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 182.278.068 người.

Mỹ chiếm 1/5 số ca nhiễm (36.518.948 ca) và 1/7 số ca tử vong (632.987 ca), là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới.

Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (31.933.553 ca), nhưng Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (563.082 ca).

Trong tốp 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới còn có Nga, Pháp, Anh (đều đã hơn 6 triệu ca nhiễm), Thổ Nhĩ Kỳ (gần 5,9 triệu ca), Argentina (hơn 5 triệu ca), Colombia và Tây Ban Nha (hơn 4,5 triệu ca nhiễm).

Châu Á là khu vực có số ca nhiễm cao nhất, hiện đã lên tới 63.892.880 ca (trong đó có 928.244 ca tử vong), châu Âu đứng thứ hai với 52.342.024 ca nhiễm (trong đó có tới 1.141.211 ca tử vong).

[Philippines ghi nhận ngày có ca nhiễm mới nhiều nhất trong 4 tháng]

Tiếp theo là Bắc Mỹ với 43.595.337 ca (trong đó có 948.994 ca tử vong) và Nam Mỹ có 35.940.332 ca (trong đó có 1.101.480 ca tử vong).

Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn, song con số này đang tăng nhanh, hiện đã vượt ngưỡng 7 triệu ca nhiễm trên toàn châu lục (trong đó có gần 178.000 ca tử vong).

Đáng chú ý, các nước ASEAN đã ghi nhận thêm trên 92.000 ca mắc mới và gần 2.200 ca tử vong trong ngày 7/8, trong đó Indonesia có thêm 1.588 ca tử vong, Thái Lan có thêm 212 ca, Malaysia có thêm 210 ca tử vong, trong khi Philippines thêm 162 ca tử vong, Campuchia thêm 11 ca và Lào ghi nhận 1 ca.

Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 6/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Trung Quốc, chính quyền tỉnh Giang Tô đã thông báo các hình thức kỷ luật, từ cảnh cáo đến cách chức, đối với 6 quan chức sau vụ tái bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh khiến virus SARS-CoV-2 lây lan đến một loạt địa phương khác của Trung Quốc.

Theo thông báo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Tỉnh ủy Giang Tô và Ủy ban Giám sát tỉnh Giang Tô, ông Phương Trung Hữu bị cách chức Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế thành phố Nam Kinh do không thực hiện sát sao nhiệm vụ quản lý và giám sát đối với công tác kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Hồ Vạn Tiến - Phó Thị trưởng Nam Kinh bị cảnh cáo vì khuyết điểm tương tự.

Bên cạnh đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Tỉnh ủy Giang Tô cũng đã tiến hành những cuộc điều tra đối với 3 quan chức quản lý sân bay, trong đó có ông Uông Siêu - Đảng ủy viên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sân bay Đông Bộ (một công ty thuộc sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm quản lý 7 sân bay ở tỉnh Giang Tô).

Trong ngày 7/8, Ấn Độ  đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 đơn liều do hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ sản xuất.

Như vậy, quốc gia Nam Á này đến nay đã cấp phép cho tổng cộng 5 loại vaccine ngừa COVID-19 của các công ty AstraZeneca (Anh), Bharat Biotech (Ấn Độ), Viện Gamaleya (Nga), Moderna (Mỹ) và Johnson & Johnson.

Tính đến tối 7/8, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 506 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tăng hơn 5 triệu liều so với 1 ngày trước đó. Đến nay Ấn Độ đã tiêm đủ liều cho khoảng 8% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân của nước này.

Tại Cuba, sáng 8/8 (theo giờ Hà Nội), nước này thông báo đã ghi nhận thêm 8.893 ca nhiễm mới COVID-19 và có thêm 96 trường hợp tử vong.

Tỉnh La Habana ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất với 1.590 trường hợp trong 24h qua, tiếp theo là các tỉnh Cienfuegos (1.272 ca) và Ciego de Avila (1.087 ca).

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Cuba đã lên tới con số 448.792, trong đó có 3.355 trường hợp không qua khỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục