Dịch COVID-19 sáng 8/9: Thế giới ghi nhận hơn 27,4 triệu ca mắc

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với hơn 6,485 triệu ca mắc và 193.534 ca tử vong. Trong khi, số ca mắc mới tại Nga vẫn cao so với nhiều nước châu Âu khác.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 11/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 8/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng gần 27,48 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 896.397 ca tử vong.

Tổng cộng hơn 19,57 triệu ca đã hồi phục và hơn 7 triệu ca đang được điều trị.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với hơn 6,485 triệu ca mắc và 193.534 ca tử vong.

Ấn Độ có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với hơn 4,27 triệu ca, trong đó 72.816 ca tử vong.

Đứng thứ 3 là Brazil với gần 4,15 triệu ca mắc và 127.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, dù có giảm, số ca mắc mới tại Nga vẫn cao so với nhiều nước khác. Với gần 5.200 ca mắc mới, Nga hiện đã ghi nhận tổng cộng 1.030.690 ca mắc, trong đó 17.871 ca tử vong. Pháp và Đức ghi nhận số ca mắc mới lần lượt là 4.200 và 1.900 ca.

[Các nước châu Âu tiếp nhận liều vắcxin đầu tiên vào cuối năm]

Trong khi đó, Bỉ đang nỗ lực kiềm chế dịch và kiểm soát số ca mắc mới trong ngày dưới 1.000 ca.

Tại châu Mỹ, số ca mắc mới tại Mexico giảm so với những ngày trước. Với 4.614 ca mắc mới, tổng số ca mắc tại Mexico hiện là 634.023 ca. Trong khi đó, số ca mắc mới tại Argentina tăng vọt, với hơn 9.200 ca trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 488.007 ca.

Tại châu Á, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc được đánh giá cao trong việc kiểm soát dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN thường xuyên tiến hành trao đổi y tế ở nhiều cấp, hướng tới xây dựng một mặt trận hợp tác toàn diện chống đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội.

Trung Quốc và các nước ASEAN đã lần lượt thiết lập các “làn nhanh” và “làn xanh” cho hoạt động đi lại của người dân và trao đổi hàng hóa; nối lại các chuyến bay quốc tế trực tiếp... 

Liên quan vắcxin phòng COVID-19, ngày 7/9, Indonesia thông báo chi hơn 250 triệu USD đặt mua trước vắcxin phòng COVID-19.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartanto cho biết trong năm tới chính phủ nước này cũng dự tính dành 37.000 tỷ rupiah (2,51 tỷ USD) cho chương trình phát triển vaccine kéo dài nhiều năm.

Hiện Chính phủ Indonesia đang quan tâm một số loại vắcxin tiềm năng đang được phát triển.

Theo ông Airlangga, Indonesia có kế hoạch mua 290 triệu liều vắcxin Sinovac trong năm tới và 30 triệu liều vaccine G42 trong năm nay.

Bộ Y tế nước này đã chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm tới.

Châu Âu cũng thông báo tiếp nhận liều vắcxin đầu tiên vào cuối năm. Phó Tổng vụ trưởng về Y tế và An ninh Lương thực của Ủy ban châu Âu, bà Sandra Gallina tuyên bố từ nay tới cuối năm, vào tháng 11 hoặc tháng 12, châu Âu bắt đầu có được những liều vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên.

Cũng theo bà Gallina, vào khoảng giữa tháng 4/2021, vắcxin phòng COVID-19 sẽ được cung cấp rộng rãi tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục