Dịch COVID-19 sáng 23/12: Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 24,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 522.900 ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Praha, CH Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Praha, CH Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 23/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 78.320.084 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.722.393 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 55.084.684 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 330.384 ca tử vong trong tổng số 18.658.894 ca nhiễm.

Tiếp đó là Ấn Độ với 146.476 ca tử vong trong số 10.099.303 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 188.285 ca tử vong trong số 7.320.020 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 161 người tử vong. Tiếp đến là Italy với 114 người và Peru với 113 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 24,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 522.900 ca tử vong.

Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 486.700 ca tử vong trong hơn 14,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 333.700 ca tử vong trong hơn 18,5 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 211.800 ca tử vong trong hơn 13,4 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 87.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 59.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 944 người.

Đại dịch COVID-19 đã chính thức lây lan khắp các lục địa trên Trái Đất, sau khi các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được ghi nhận tại một cơ sở nghiên cứu của Chile ở Nam Cực ngày 21/12.

Quân đội Chile xác nhận ít nhất 36 ca mắc tại Căn cứ Bernardo O’Higgins Riquelme, gồm 26 quân nhân và 10 nhà thầu dân sự tiến hành bảo trì.

Vài người trong số này đã có triệu chứng bệnh trước khi xét nghiệm PCR.

Ít nhất 3 nhà thầu trên 1 tàu vận chuyển vật tư và nhân viên đến trạm nghiên cứu cũng có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi trở về.

Tàu Sargento Aldea đã đến căn cứ hôm 27/11 và trở về Chile hôm 10/12.

Tại châu Âu, Đức đã ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao nhất. Theo thống kê của cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 940 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc cũng tăng thêm hơn 21.800.

Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp đối với người dân Đức trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón Năm mới, theo đó giảm tiếp xúc và chỉ nên gặp nhau nhóm nhỏ trong dịp nghỉ lễ này.

Ông Wieler cảnh báo nước Đức đang phải đối mặt với những tuần khó khăn phía trước và số ca lây nhiễm có thể tăng lên khi mọi người gặp gỡ gia đình, bạn bè và người thân trong dịp nghỉ lễ, song cho rằng tình trạng lây nhiễm có thể giảm nếu mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Dịch COVID-19 sáng 23/12: Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới ảnh 1Khu vực cửa khẩu thông thương giữa Pháp với Anh dẫn tới cảng Dover ở Kent, Đông Nam Anh đóng cửa ngày 21/12/2020, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia ban hành lệnh đóng cửa biên giới cũng như ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Xứ sở sương mù. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Pháp đã quyết định nới lỏng lệnh cấm đi lại với Anh, theo đó từ rạng sáng 23/12, công dân Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đi từ Anh sẽ được phép nhập cảnh Pháp nếu có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước đó không quá 72 giờ.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Pháp nêu rõ các xét nghiệm phải thuộc loại có khả năng phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, công dân Anh hoặc các công dân các nước thứ 3 sống tại Pháp hoặc EU có thể nhập cảnh hoặc quá cảnh Pháp từ Anh, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.

[WHO họp bàn về chiến lược chống biến thể mới của virus SARS-CoV-2]

Công dân Anh hoặc người đến các nước thứ 3 có nghề nghiệp hợp pháp hoặc các lý do khác đến từ Anh cũng được phép nhập cảnh Pháp, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Quy định mới này sẽ được áp dụng đến ngày 6/1/2021.

Trước đó, Pháp cùng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã đóng cửa biên giới với Anh do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh hơn, khiến hoạt động đi lại hỗn loạn và nhiều công dân Pháp bị mắc kẹt ở Anh.

Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước thành viên tiến hành cuộc họp giải quyết khủng hoảng liên quan biến thể mới này.

Cuộc họp trực tuyến theo kế hoạch diễn ra vào sáng 23/12 có sự tham dự của giới chức y tế Anh để cập nhật tình hình dịch bệnh hiện tại.

Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Michael Martin vẫn quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay từ Anh đến Ireland cho đến ngày 31/12.

Ông đồng thời tuyên bố kéo dài lệnh tăng cường giãn cách xã hội tại nước này cho đến ngày 12/1/2021.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Bolivia cho biết sẽ hạn chế nhập cảnh đối với các du khách đến từ châu Âu từ ngày 25/12 đến 8/1/2021 và tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch tễ tại các cửa khẩu hàng không nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát một làn sóng COVID-19 mới, đặc biệt là sau khi Anh phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Các hành khách nhập cảnh từ châu Âu trước ngày 25/12 sẽ được yêu cầu ký một cam kết y tế, có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay và khi đến Bolivia sẽ được xét nghiệm nhanh tại chỗ.

Hiện nay, Bolivia chưa có các chuyến bay trực tiếp nối với Anh, song vẫn có một số đường bay khác với các nước châu Âu.

Theo số liệu thống kê chính thức, Bolivia hiện đã ghi nhận 150.385 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.043 trường hợp tử vong.

Tại châu Á, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) thông báo 2 sỹ quan cấp cao nhất của lực lượng này đã mắc COVID-19.

Tham mưu trưởng Yamamura Hiroshi và Phó Tham mưu trưởng Nishi Naruto dương tính với SARS-CoV-2 khi tiến hành xét nghiệm PCR, sau khi họ có tiếp xúc gần với một ca dương tính khác.

Dịch COVID-19 sáng 23/12: Châu Âu đang là tâm dịch của thế giới ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo MSDF, hai sỹ quan này sẽ làm việc từ xa trong điều kiện cách ly, cả hai đều không có triệu chứng bệnh. Ngoài ra, 6 quan chức khác làm việc cùng 2 sỹ quan này cũng mắc COVID-19.

Chính phủ Iraq ngày 22/12 đã ban hành các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có lệnh cấm đi tới các quốc gia xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Iraq cũng sẽ cấm người nước ngoài nhập cảnh, trừ công dân Iraq hồi hương sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày cho đến khi được xét nghiệm và xác nhận không mắc COVID-19.

Chính phủ Iraq cũng quyết định đóng cửa tất cả biên giới trên bộ, song không thông báo lệnh cấm này kéo dài bao lâu. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở công cộng sẽ đóng cửa trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 24/12 mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục