Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 14/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới là hơn 501,85 triệu ca, trong đó có 6,21 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục hồi là 451,96 triệu ca.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với 82.187.904 ca mắc và 1.014.091 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 521.767 ca tử vong trong số 43.038.882 ca mắc. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 30.210.853 ca mắc và 661.710 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 974.777 ca mắc và 2.729 ca tử vong. Hàn Quốc, Đức và Pháp là 3 nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, lần lượt là 195.370 ca, 179.888 ca và 146.426 ca.
Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của nước này thông báo quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các khu vực công cộng sẽ có hiệu lực đến ngày 3/5 thay vì 18/4 như thông báo trước đó, trong bối cảnh cơ quan này đang đánh giá những nguy cơ từ tình trạng số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng hiện nay.
[WHO cảnh báo không nên mất cảnh giác trước đại dịch COVID-19]
CDC Mỹ cho biết quyết định trên được đưa ra do biến thể BA.2 hay "Omicron tàng hình" có khả năng lây nhiễm mạnh vẫn đang lây lan tại nước này và chiếm tới hơn 85% số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Mỹ.
Trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại về nguy cơ tái bùng phát đại dịch do sự lây lan nhanh chóng của các biến thể phụ của Omicron, các nước đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường để bảo vệ người dân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Peru, đã có hơn 50% dân số mục tiêu của nước này đã tiêm một mũi vaccine tăng cường sau khi hoàn thành liều tiêm cơ bản. Nước này vẫn sẽ duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại không gian kín để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Peru chủ trương gỡ bỏ quy định này khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt trên 80% dân số - mục tiêu mà nước này dự kiến sẽ đạt được vào tháng 6/2022.
Từ đầu tháng Tư, Peru cũng đã triển khai tiêm mũi tăng cường thứ 2 cho người từ 70 tuổi trở lên và lực lượng nhân viên y tế.
Trong khi đó, Chính phủ Mexico đã đề nghị cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX cung cấp vaccine ngừa COVID-19 dành cho trẻ em để chuẩn bị tiêm chủng trên diện rộng cho nhóm đối tượng này, sau khi nước này hoàn thành chiến dịch chủng ngừa cho người trưởng thành vào cuối tháng 4/2022.
Quốc gia có khoảng 130 triệu dân bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ cuối năm 2020, với đối tượng ưu tiên hàng đầu là các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Từ cuối tháng 10/2021, Mexico đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật, cũng như bắt đầu tiêm chủng cho thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15-17 từ cuối tháng 11/2021.
Mexico đến nay đã ghi nhận hơn 5,7 triệu ca mắc COVID-19 và 323.800 người tử vong. Hiện có hơn 85,9 triệu người dân Mexico đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó 93% được tiêm đủ hai mũi. Từ cuối tháng 12/2020 đến nay, Mexico đã tiếp nhận gần 224,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế nước này xác nhận đã phát hiện biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron ở nước này và cơ quan này đang theo dõi sát sao nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Bộ Y tế đánh giá thấp khả năng 2 biến thể này có thể gây ra làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 tại Nam Phi.
Ngoài Nam Phi, BA.4 và BA.5 đã được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Đức, Đan Mạch và Anh.
Giữ quan điểm thận trọng hơn, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Abdul Karim cho rằng các biến thể mới có thể nhanh chóng thay thế Omicron khiến dịch bệnh lây lan nhiều hơn và không có khả năng dự đoán liệu biến thể mới sẽ là nặng hay nhẹ.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 13/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định đại dịch COVID-19 vẫn là vấn đề khẩn cấp y tế công cộng, đồng thời khuyến nghị các nước cần có sự chuẩn bị mở rộng quy mô ứng phó với COVID-19.
Theo WHO, số ca mắc và tử vong do COVID-19 mới trên toàn cầu tiếp tục giảm trong tuần thứ ba liên tiếp từ ngày 4 đến ngày 10/4, với hơn 7 triệu ca mắc và hơn 22.000 ca tử vong ghi nhận được, lần lượt giảm 24% và 18% so với tuần trước.
WHO hiện đang theo dõi sát sao một loạt các biến thể phụ của Omicron, trong đó có BA.2, BA.4 và BA.5, cũng như biến thể tái tổ hợp của BA.1 và BA.2.
WHO khuyến cao cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến nghị của cơ quan y tế, đồng thời khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang tại nơi đông người và trong không gian kín để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm./.