Dịch COVID-19 sáng 11/11: Mỹ, Ấn Độ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 779.838 ca tử vong trong tổng số 47.633.788 ca mắc, tiếp đó là Ấn Độ với 461.832 ca tử vong trong số 34.388.422 ca.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền đông nước Đức, ngày 28/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 11/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 252.083.721 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.087.284 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 228.149.208 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 779.838 ca tử vong trong tổng số 47.633.788 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 461.832 ca tử vong trong số 34.388.422 ca. Brazil đứng thứ 3 với 610.080 ca tử vong trong số 21.911.382 ca.

Tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đức, đặc biệt là tình trạng dịch lây lan rộng tại Bayern khiến giới chức bang miền Nam nước Đức này phải ban bố tình trạng thảm hoạ để huy động nguồn lực khống chế dịch.

Theo số liệu của các cơ quan y tế tối 10/11, chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 44.082 ca mắc mới, tăng gần 71% so với ngày 3/11 vừa qua và là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục ở Đức từ đầu dịch.

Số ca tử vong trong ngày cũng tăng thêm 246 ca, và tính từ khi dịch bùng phát tới nay đã có 97.032 ca tử vong và 4,862 triệu ca nhiễm. Ngày 10/11 cũng là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ cuối tháng 5 vừa qua.

Trong số 16 bang ở Đức có 3 bang ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, trong đó riêng bang Bayern ghi nhận tới 10.401 ca, Baden-Wurttemberg 8.057 ca và Thuringen 2.022 ca. 

[COVID-19: Italy mở rộng đối tượng được tiêm vaccine tăng cường]

Tại Bỉ, Ủy ban liên bộ y tế ngày 10/11 quyết định áp dụng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người dân nước này. Việc lập kế hoạch và phương thức của chiến dịch "tăng liều" sẽ được thảo luận tại Hội nghị y tế liên bộ (CIM) dự kiến diễn ra vào ngày 27/11 tới và sau khi nhận được ý kiến xác thực từ Hội đồng y tế cấp cao (CSS).

Người đứng đầu cơ quan y tế vùng Wallonie, Christie Morreale, cho biết sẽ xác nhận các lựa chọn dựa trên những khuyến nghị từ các nhà khoa học, CSS và lực lượng tiêm chủng. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường vào năm 2022. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố những người trong độ tuổi 40-60 tại nước này sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 kể từ ngày 1/12 tới.

Ông nhấn mạnh mũi tiêm tăng cường là "chiến lược trong chiến dịch vaccine” của chính phủ. Hiện khoảng 83,7% người dân Italy đã được tiêm đủ liều vaccine và 2,4 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.

Đây là biện pháp mới nhất mà Bộ Y tế Italy công bố để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 ở nước này bởi hầu hết các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và cấp cứu đều là những người chưa tiêm phòng.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/11 đã thông qua hợp đồng thứ 8 với một công ty dược phẩm để mua vaccine tiềm năng chống COVID-19. Hợp đồng với Valneva cho phép tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) mua gần 27 triệu liều vaccine phòng virus SARS-CoV-2 vào năm 2022.

Loại vaccine mới này có khả năng ứng phó hiệu quả với các chủng mới và ước tính sẽ có khoảng 33 triệu liều được cung cấp cho các quốc gia EU vào năm 2023.

Tại châu Á, tối 10/11, Israel đã quyết định phê duyệt đề xuất của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11. Loại vaccine đặc biệt này đã được đặt hàng và dự kiến lô đầu tiên sẽ về Israel trong tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục