Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và từng bước mở cửa nền kinh tế, trong tuần này, Philippines sẽ mở đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 35 triệu người lao động làm việc ngoài nơi cư trú, chẳng hạn như nhân viên giao thông công cộng.
Kế hoạch trên là giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng được Philippines triển khai hồi tháng 3 năm nay với các đối tượng ưu tiên được tiêm đầu tiên là các nhân viên chăm sóc y tế, người cao tuổi và có bệnh lý nền.
Trao đổi với báo giới, người phát ngôn của Tổng thống Harry Roque cho biết những người đủ điều kiện tiêm chủng trong giai đoạn mới này, bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức, sẽ có thể đăng ký tiêm chủng từ ngày 9/6 tới.
Cho đến nay, Philippines đã nhận được hơn 9 triệu liều vaccine, hầu hết do công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, quốc gia này được dự báo sẽ mất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong số 110 triệu dân trong năm nay.
Chương trình tiêm chủng của Philippines cũng đang tụt hậu so với một số nước láng giềng, với chỉ 4,4 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và hơn 1,5 triệu người đã được tiêm đủ liều.
Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez nhấn mạnh việc mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho nhiều người sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy việc mở cửa lại nền kinh tế.
[Ấn Độ: Chênh lệch lớn về tốc độ tiêm vaccine ở thành thị và nông thôn]
Philippines, quốc gia đang phải đối phó với một trong những làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất bùng phát ở châu Á, đã ghi nhận 1,27 triệu ca mắc và gần 22.000 ca tử vong.
Ngày 7/6, giới chức y tế Australia thông báo hơn 832.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân trên khắp cả nước trong tuần trước, nâng tổng số liều được tiêm lên hơn 5 triệu liều.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, riêng tại bang Victoria, nơi vừa phải kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tuần để ngăn chặn sư lây lan của dịch COVID-19, hơn 327.500 liều vaccine đã được tiêm trong 7 ngày vừa qua, nâng tổng số liều vaccine được tiêm tại đây lên hơn 1.462.000 liều.
Điều phối viên chương trình tiêm chủng Australia Eric Young cho biết công tác tiêm chủng đã được tăng tốc trong những ngày gần đây khi 1 triệu liều vaccine gần đây nhất đã được tiêm chỉ trong 9 ngày. Trước đó, nước này mất tới 47 ngày để tiêm được 1 triệu liều vaccine đầu tiên.
Giáo sư Paul Kelly, Giám đốc y tế quốc gia, bày tỏ tin tưởng tốc độ tiêm chủng sẽ có thể được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới khi có thêm nhiều người dân ở Australia đủ điều kiện để tiêm chủng, sau khi nhiều bang mở rộng đối tượng được tiêm sang nhóm người trên 40 tuổi.
Vùng lãnh thổ Bắc Australia trở thành địa phương đầu tiên ở Australia thông báo sẽ tiến hành tiêm chủng cho tất cả người dân từ 16 tuổi lên từ ngày 8/6 tới.
Cùng ngày, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo CH Congo đã cấp phép sử dụng vaccine 1 liều ngừa COVID-19 có tên Sputnik Light của Nga.
Vaccine Sputnik Light được Nga cấp phép sử dụng trong tháng 5 vừa qua. Theo RDIF, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy chế phẩm do Viện Gamaleya của Nga phát triển có hiệu quả ngừa COVID-19 tới 79,4% trong khi chỉ có giá dưới 10 USD/liều.
Sputnik Light được xuất khẩu đến những quốc gia nơi dịch bùng phát mạnh, qua đó giúp làm gia tăng số người được tiêm chủng và hỗ trợ các nước này dập dịch.
Trước đó, Nga đã cấp phép sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm Sputnik V, EpiVacCorona và CoviVac. Theo nhà chức trách, khoảng 8 triệu người Nga đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Sputnik V./.