Dịch COVID-19: Pháp, Đức tăng cường kiểm soát biên giới chung

Những lao động làm việc xuyên biên giới Pháp-Đức sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu đi lại qua biên giới không vì mục đích công việc.
Dịch COVID-19: Pháp, Đức tăng cường kiểm soát biên giới chung ảnh 1Cảnh ùn tắc trên cao tốc ở biên giới Pháp-Đức khi cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/2, nhà chức trách Pháp thông báo sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực xung quanh biên giới chung với Đức.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang nỗ lực khống chế sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở vùng Moselle, miền Đông nước này.

Theo nhà chức trách Pháp, những lao động làm việc xuyên biên giới sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu đi lại qua biên giới không vì mục đích công việc. Lâu nay, những người này thuộc đối tượng miễn trừ thực hiện biện pháp này.

Những người ở khu vực biên giới cũng được khuyến khích tăng cường làm việc tại nhà, sau khi Đức và Pháp hồi đầu tuần thông báo sẽ nỗ lực tìm cách để tránh phải đóng cửa biên giới chung. Bên cạnh đó, cảnh sát Đức và Pháp cũng sẽ tăng cường tuần tra chung.

Khu vực Moselle, giáp giới với Đức và Luxembourg, đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi.

[EU nỗ lực ngăn chặn tái diễn tình trạng hỗn loạn tại khu vực biên giới]

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này sẽ tiến hành phong tỏa trong ba tuần, bắt đầu từ ngày 8/3 tới, cũng như đang chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm phòng, chống dịch COVID-19.

Biện pháp phong tỏa này không đi kèm lệnh giới nghiêm, song sẽ bao gồm việc yêu cầu các nhà hàng đóng cửa, học sinh từ 13 tuổi trở lên sẽ học trực tuyến.

Dịch COVID-19: Pháp, Đức tăng cường kiểm soát biên giới chung ảnh 2Người dân Phần Lan di chuyển trên đường phố. (Nguồn: aa.com.tr)

Bà Marin cho biết đã sẵn sàng tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp vào tuần tới, đồng thời cho biết đã thảo luận điều này với Tổng thống Phần Lan. Theo bà, việc áp đặt tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm chặn đà lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Việc áp đặt tình trạng khẩn cấp đồng nghĩa với việc các nhà hàng phải đóng cửa, các nhân viên y tế phải làm nhiều thời gian hơn và không được nghỉ phép.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Anna-Maja Henriksson, thành viên một đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền cho rằng việc áp dụng tình trạng khẩn cấp là không cần thiết.

Hiện Phần Lan là nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở châu Âu, sau Iceland và Na Uy. Tuy nhiên, gần đây, quốc gia gồm 5,5 triệu dân này đã chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày tăng nhanh. Riêng ngày 24/2, Phần Lan ghi nhận 590 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, Croatia thông báo các quán bar và nhà hàng có thể mở cửa trở lại khu vực ngoài trời từ tuần tới, sau hơn ba tháng phải đóng cửa.

Cách đây ba tháng, quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Âu đã ghi nhận khoảng 4.500 ca nhiễm mới mỗi ngày, song hiện con số này đã giảm xuống chỉ còn vài trăm ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 544 ca mắc mới.

Phát biểu trong cuộc họp Nội các, Thủ tướng Andrej Plenkovic khuyến cáo người dân vẫn cần hết sức cẩn trọng.

Vài tuần trước, hàng nghìn người, chủ yếu là chủ các doanh nghiệp nhỏ, trong đó có các nhà hàng, quán bar, trung tâm thể dục thể thao, đã đổ xuống quảng trường chính ở thủ đô Zagreb phản đối yêu cầu họ đóng cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục