Dịch COVID-19: Peru, Uruguay thắt chặt biện pháp chống dịch

Ngày 19/2, Chính phủ Peru quyết định gia hạn thêm 180 ngày tình trạng khẩn cấp về y tế để đối phó với đại dịch COVID-19, với cảnh báo "nguy cơ cao" dịch bệnh sẽ lây lan mạnh tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) cho tình nguyện viên tại Lima, Peru . (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/2, Chính phủ Peru quyết định gia hạn thêm 180 ngày tình trạng khẩn cấp về y tế để đối phó với đại dịch COVID-19, với cảnh báo "nguy cơ cao" dịch bệnh sẽ lây lan mạnh tại quốc gia Nam Mỹ này trong cả năm nay. Theo đó, tình trạng khẩn cấp về y tế có hiệu lực từ tháng 3/2020 sẽ được kéo dài đến hết tháng 9 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, dựa trên báo cáo của Trung tâm Dịch tễ và kiểm soát bệnh tật quốc gia thuộc Bộ Y tế Peru, chính phủ nước này cho rằng không loại trừ khả năng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được sản xuất sẽ không phòng ngừa được các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hiện đang lây lan tại Peru.

Các cơ quan chức năng được khuyến cáo tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát và chăm sóc sức khỏe người dân.

Tính đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 44.400 ca tử vong.

Tại Uruguay, ngày 19/2, Tổng thống Luis Lacalle Pou đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm tập trung đông người thêm 30 ngày nữa trong bối cảnh áp đặt tình trạng khẩn cấp y tế do đại dịch COVID-19. Theo sắc lệnh này, việc gia hạn lệnh cấm trên theo luật định là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người dân.

Trước đó, cơ quan lập pháp Uruguay đã thông qua đạo luật cho phép cơ quan hành pháp kéo dài sắc lệnh trên thêm 30 ngày nữa từ thời hạn có hiệu lực ban đầu là 60 ngày. Theo kế hoạch, lệnh cấm tập trung đông người sẽ hết hạn vào ngày 21/2 tới. 

Hiện tình hình dịch bệnh tại Uruguay đang được đánh giá là ổn định sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt theo cấp số nhân vào tháng 12/2020, khiến chính phủ nước này phải đóng cửa các đường biên giới trong vòng 42 ngày. Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, quốc gia Nam Mỹ này đến nay có tổng cộng 50.752 ca bệnh, trong đó 558 ca tử vong do COVID-19. 

Cùng ngày 19/2, Tổng thống Bolivia Luis Arce thông báo Trung Quốc vừa hỗ trợ nước này thành lập một bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại thành phố El Alto, gần thủ đô La Paz.

[Peru chi 26 triệu USD mua vắcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc]

Theo Tổng thống Arce, cơ sở y tế này, do quân đội Bolivia tiếp quản, bao gồm trang thiết bị y tế như xe cấp cứu, hệ thống chẩn đoán bằng tia X, máy thở oxy, hệ thống khử trùng và phòng thí nghiệm sinh hóa. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng tặng Chính phủ Bolivia 2 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bolivia cho biết Chính phủ Ấn Độ đã tặng nước này 20 triệu liều thuốc Remdesivir và Propofol dùng trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo bộ trên, các loại thuốc này hiện không sẵn có tại hiệu thuốc và được bán trên "chợ đen" với giá vô cùng đắt đỏ. Bolivia, với 11,5 triệu dân, hiện ghi nhận khoảng 238.490 ca nhiễm, trong đó có hơn 11.300 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Trung Đông, trong một tuyên bố ngày 19/2, Cơ quan Hàng không dân dụng Kuwait cho biết nước này sẽ cho phép những người không phải là công dân Kuwait nhập cảnh, bắt đầu từ ngày 21/2 tới, nhưng họ phải tuân thủ một số quy định về phòng dịch.

Hành khách đến Kuwait trên những chuyến bay thẳng từ các nước có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải cách ly tập trung tại các khách sạn địa phương trong 14 ngày, trong khi những người đến từ những khu vực còn lại của thế giới sẽ phải cách ly tập trung trong 1 tuần và tự cách ly tại nhà thêm 1 tuần nữa.

Kuwait đã cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân nước này trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 7/2 vừa qua, nhằm nỗ lực ứng phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục