Dịch COVID-19: Nhiều sàn giao dịch bất động sản phải ngừng hoạt động

Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua; đáng chú ý, nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Dự án HanHomes Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) do Handico 5 làm chủ đầu tư. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm.

Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đáng chú ý, nhiều sàn giao dịch đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dẫn chứng, trong quý 1 vừa qua, cả nước có khoảng 800 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản trong cả nước phải tạm ngừng hoạt động. Bất động sản cũng nằm trong nhóm ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản cho thấy, tổng sản phẩm nhà ở  chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm; trong đó chỉ giao dịch khoảng 7.641 sản phẩm, đạt tỷ lệ hấp thụ khoảng 14,3%.

Trong số này, lượng cung mới chào bán khoảng 18.695 sản phẩm gồm 8.363 căn hộ chung cư và 10.322 nhà ở thấp tầng với con số giao dịch chỉ đạt 2.769 sản phẩm, bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019.

[Dịch bệnh COVID-19: Đầu tư bất động sản có nên dò đáy?]

Giao dịch từ các sản phẩm đã chào bán từ năm 2019 đạt 4.872 sản phẩm trên tổng số tồn từ năm 2019 là 34.568 sản phẩm. Trong số này, phân khúc căn hộ cao cấp có tỷ lệ tồn kho lớn nhất.

Trước những khó khăn chung của thị trường, Hội Môi giới Bất động sản cho rằng, các loại hình doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự cùng giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa, chuyên nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí...

Cùng đó, doanh nghiệp phát triển bất động sản nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.

Đối với hệ thống sàn giao dịch bất động sản, Hội Môi giới Bất động sản cho rằng, các đơn vị này cần nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thậm chí, khoảng thời gian này, các sàn giao dịch nên tổ chức hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; duy trì hoạt động marketing để giữ khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển;

Tuy nhiên, để sớm ổn định và đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững, các sàn giao dịch cần kiên quyết không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho "dự án ma," dự án không phù hợp quy định pháp luật, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục