Nhiều quốc gia trên thế giới đã thông qua các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước, khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục gây ra những biến động mạnh trên các thị trường chứng khoán và khiến hoạt động ở các nền kinh tế bị đình trệ.
Với lưu ý rằng nhiều nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn kinh tế do dịch COVID-19, Liên hợp quốc ngày 17/3 cho biết đang huy động các nguồn vốn cho cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch bệnh.
Theo ông Farhan Haq, phó phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Liên hợp quốc đang làm việc chặt chẽ với các nước thành viên và khu vực tư nhân để đảm bảo nguồn tài chính và trang thiết bị sẵn sàng được cung cấp cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở tất cả nước thành viên cũng như cộng đồng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 17/3 thông báo tăng nguồn tài chính hỗ trợ nhanh cho các doanh nghiệp và các nước lên 14 tỷ USD trước sự lây lan rộng của dịch COVID-19.
Theo WB, gói cứu trợ này sẽ củng cố các hệ thống y tế của các nước, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị cũng như hỗ trợ khu vực tư nhân.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/3 tuyên bố sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào các thị trường tài chính nhằm làm dịu bớt những căng thẳng tài chính do dịch COVID-19 gây ra.
Đề xuất mới này được đưa ra với mức lãi suất chỉ là 0,1% và là khoản mới nhất trong một loạt khoản mua nợ và bơm tiền mặt, bao gồm cả khoản 1.500 tỷ USD hồi tuần trước để ngăn chặn sự sụt giảm kinh tế cũng như tình trạng mất kiểm soát trên thị trường tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack ngày 17/3 công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá lên tới 330 tỷ bảng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Anh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng ở nước này.
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 17/3, ông Rishi Sunack cho hay chưa bao giờ trong thời bình nước Anh lại phải đối mặt với cuộc chiến kinh tế như hiện nay; đồng thời khẳng định nếu cần thiết, chính phủ sẽ bổ sung thêm và cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì" để giúp các doanh nghiệp và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh của mình, chi trả lương cho nhân viên...
[Mỹ thông qua dự luật giảm tác động kinh tế do dịch COVID-19]
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 16/3 đã quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản. Quyết định này được đưa ra trong phiên họp bất thường đầu tiên của BoJ kể từ khi Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhậm chức vào năm 2013.
Cụ thể, BoJ sẽ tăng gấp đôi khối lượng chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mua vào mỗi năm lên mức 12.000 tỷ yen (hơn 112 tỷ USD) và khối lượng chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) lên 180 tỷ yen/năm (tương đương 1,69 tỷ USD).
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ tăng hạn mức cho phép mua vào trái phiếu doanh nghiệp lên 4.200 tỷ yen (khoảng 39,5 tỷ USD) và thương phiếu doanh nghiệp lên 3.200 tỷ yen (khoảng 30 tỷ USD), đều tăng 1.000 tỷ yen so với trước đây.vTrước diễn biến đáng quan ngại của dịch COVID-19, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã kêu gọi các nước tăng cường phối hợp hành động để củng cố niềm tin và mang lại sự ổn định cho nền kinh tế thế giới.
Trước đó, trong tuyên bố chung đưa ra sau một hội nghị trực tuyến, lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết sẽ phối hợp hành động để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy giảm mạnh trước sự bùng phát của dịch COVID-19 mà các nước G7 đánh giá là "thảm kịch nhân loại”
Cùng ngày 18/3, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày càng lan rộng.
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, phần ngân sách bổ sung 11.700 tỷ won (khoảng 9,47 tỷ USD) được Quốc hội phê chuẩn vào cuối ngày 17/3 sẽ được dành để hỗ trợ tài chính cho người thu nhập thấp trong 4 tháng.
Chính quyền thành phố Seoul ngày 18/3 cũng có kế hoạch cung cấp tới 500.000 won mỗi người cho trên 1,17 triệu hộ gia đình để trang trải chi phí sinh hoạt khẩn cấp, tập trung vào các hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã mở hội nghị bàn tròn với đại diện ba chủ thể kinh tế là Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình tại Phủ Tổng thống nhằm chia sẻ về tình hình dịch COVID-19 và thảo luận đối sách kinh tế.
Tổng thống Moon Jae-in cũng nhấn mạnh việc chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính 32.000 tỷ won (khoảng 25,9 tỷ USD), song cho rằng chỉ riêng nỗ lực của Chính phủ là không đủ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp và người dân./.